views
Công bố một đằng bán hàng một nẻo
Tại một số địa phương như Hà Nam, Hưng Yên, Lâm Đồng... nhiều cửa hàng kinh doanh vàng trang sức đã bán hàng không đúng như công bố tiêu chuẩn chất lượng. Kết quả kiểm nghiệm mới đây của Quatest 1 được một đơn vị truyền thông gửi kiểm nghiệm các mẫu vàng trang sức được lấy ở một số cơ sở kinh doanh vàng cho thấy, hầu hết các mẫu vàng trang sức dạng nhẫn trơn đều cho kết quả không đạt hàm lượng 999,9 như các cơ sở kinh doanh quảng cáo với khách hàng.
Cụ thể: Vàng 999,9 của thương hiệu vàng D.H tại Phủ Lý (Hà Nam) hàm lượng vàng chỉ đạt 99,93%; Vàng 999,9 của hiệu vàng H.N tại Duy Tiên hàm lượng vàng chỉ đạt 99,88%.... Đây chỉ là những ví dụ điển hình thể hiện tình trạng gian dối khách hàng của một số cơ sở kinh doanh vàng trang sức hiện nay khi bán giá vàng 999,9 (24K), nhưng chất lượng thực tế của vàng chỉ là 23K.
Theo các chủ cơ sở kinh doanh vàng này, việc công bố vàng bốn số 9 nhưng hàm lượng thực tế có thể bị “hao hụt” khi chế tác, đó là chuyện hết sức bình thường. Tuy nhiên, theo quy định, vàng có hàm lượng đến đâu sẽ phải công bố đúng chất lượng đến đây, sai số chỉ cho phép ở mức rất nhỏ.
Theo Thông tư 22/2013/TT-BKHCN, sai số trong kiểm định vàng được phép là 1‰ (một phần nghìn). Tỉ lệ sai số 1‰ không thể chấp nhận cho việc “hô biến” vàng 999,9 thành vàng 23K hay vàng 99 hoặc 999 được. Trong thực tế, kiểm định nhiều mẫu vàng vẫn cho ra kết quả hàm lượng vàng 99,99%, hoặc nhiều mẫu vàng đạt 99,98% là những kết quả nằm trong phạm vi sai số cho phép (1‰) đối với vàng 999,9.
Như vậy, nguyên nhân sản phẩm vàng có hàm lượng thực tế thấp hơn rất nhiều so với hàm lượng công bố không thể đổ lỗi cho “quá trình chế tác không thể tránh khỏi” của một số cơ sở kinh doanh vàng là không minh bạch và thiếu thuyết phục.
Theo luật sư Nguyễn Thanh Hoàng, thuộc Đoàn luật sư TP Hà Nội phân tích: Thông tư 22/2013/TT-BKHCN là văn bản pháp lý đầu tiên quy định về quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ và quản lý đo lường trong hoạt động kinh doanh vàng, hiện nay chưa có văn bản pháp lý nào thay thế. Bởi vậy, mọi hành vi sản xuất, kinh doanh vàng không đáp ứng được yêu cầu quy định tại Thông tư 22/2013/TT-BKHCN đều là vi phạm cần bị xử lý, chấn chỉnh.
Ngoài ra, nếu là do quy trình chế tác, từ vàng nguyên liệu có độ tinh khiết 999,9‰ cho ra sản phẩm vàng thành phẩm thấp hơn thì tiệm vàng chỉ được công bố bằng đúng tiêu chuẩn vàng khi bán ra thị trường.
“Ví dụ 999‰ hay 999,3‰ thì anh phải công bố đúng như vậy, chứ không thể căn cứ vào vàng nguyên liệu 999,9‰ mà anh công bố bừa cho sản phẩm vàng khi bán ra thị trường được, vì sự thật của nó là như vậy” – Luật sư Nguyễn Thanh Hoàng nêu quan điểm.
Kết quả khảo sát mới đây của Cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng) cũng cho thấy, tình trạng sai phạm về ghi nhãn ở mặt hàng vàng trang sức cũng khá phổ biến. Theo ông Trần Quốc Tuấn – Cục trưởng, qua quá trình kiểm tra, khảo sát Cục đã tạm dừng lưu thông hàng hóa 04/05 cơ sở kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ. Lập biên bản vi phạm hành chính đối với 02/05 cơ sở kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ do có hành vi vi phạm nghiêm trọng về nhãn, tại thời điểm kiểm tra trên nhãn chỉ có 02 nội dung ký hiệu của nhà sản xuất, hàm lượng vàng hoặc khối lượng vàng dập trực tiếp trên hàng hóa, không có nhãn đính kèm hàng hóa có các nội dung bắt buộc khác theo quy định tại khoản 4 Điều 7 Thông tư số 22/2013/TT-BKHCN của Bộ KH&CN quy định về quản lý đo lường trong Kinh doanh vàng và quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ.
“Những trường hợp sai phạm đã được xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng sản phẩm, hàng hóa”, ông Tuấn cho biết.
Cũng theo ông Tuấn, để tăng cường kiểm soát chất lượng sản phẩm hàng hóa lưu thông trên thị trường, trong đó có mặt hàng vàng trang sức Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã triển khai tới các Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng địa phương phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan như thanh tra Sở KH&CN, Quản lý thị trường tiến hành thanh kiểm tra chặt chẽ mặt hàng này.
“Người dân khi mua vàng cũng nên lưu ý lựa chọn các cơ sở kinh doanh vàng uy tín, nên lựa chọn sản phẩm có ghi nhãn rõ ràng thông tin và có hóa đơn mua bán để tránh mua phải vàng kém chất lượng mà không có căn cứ khiếu nại”, ông Tuấn khuyến cáo.
Thông tư 22/2013/TT-BKHCN quy định vàng trang sức mỹ nghệ là các sản phẩm vàng có hàm lượng vàng từ 8 Kara (tương đương 33,3%) trở lên, đã qua gia công, chế tác để phục vụ nhu cầu trang sức, trang trí mỹ thuật. Thông tư cũng quy định chất lượng vàng trang sức được phân hạng theo độ tinh khiết của vàng tương ứng với hàm lượng vàng.
Tại Khoản 3 Điều 5 của Thông tư 22/2013/TT-BKHCN nêu rõ: “Giới hạn sai số của kết quả thử nghiệm xác định hàm lượng vàng trong sản phẩm vàng trang sức, mỹ nghệ quy định cụ thể như sau: a) 1‰ đối với vàng có hàm lượng từ 99,9 % trở lên; b) 2‰ với vàng hợp kim có hàm lượng từ 80 % đến dưới 99,9 %; c) 3‰ đối với vàng hợp kim có hàm lượng dưới 80 %”. Tại Khoản 1 Điều 6 Thông tư 22/2013/TT-BKHCN quy định: Chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ được phân hạng theo độ tinh khiết của vàng tương ứng với hàm lượng vàng được quy định: Vàng 24K có độ tinh khiết không nhỏ hơn 999‰; Hàm lượng vàng không nhỏ hơn 99,9%.
Thanh Uyên / Theo Vietq
⭐️Nhấp vào liên kết https://temu.to/k/uqlwz2gku6j để nhận gói giảm giá $ ₫1.500.000 hoặc ⭐️Tìm kiếm ach735692 trên ứng dụng Temu để nhận chiết khấu $ 30%!! |
Facebook Conversations