views
Hương nhu tía (tên khoa học Ocimum tenuiflorum), còn có tên é tía, é rừng, é đỏ, là một loài thực vật thuộc họ Hoa môi (Lamiaceae).
Tên khác: É đỏ, É tía, É rừng.
Tên khoa học: Ocimum tenuiflorum L.
Tên đồng nghĩa: O. sanctum L.; O. tomentosum Lamk.
Họ: Bạc hà (Lamiaceae).
Tên nước ngoài: Monk’s basil, sacred basil, holy basil, rough basil, tulsi, mosquito plant of South Africa (Anh) ; basilic saint, basilic sacré (Pháp).
Xem thêm cây: Cây dược liệu cây Hương nhu tía, É tía - Ocimum sanctum L
Mẫu thu hái tại: Long An ngày 09 tháng 05 năm 2010; tại Ninh Thuận ngày 15 tháng 06 năm 2010.
Số hiệu mẫu: HNTIA 090510, được so giống với mẫu lưu ở Viện Sinh học nhiệt đới Tp. HCM.
Cỏ đứng, cao 0,5-1 m, toàn cây có lông màu trắng xanh hoặc tía, có mùi rất thơm. Thân non màu xanh tía hay tía đậm, tiết diện vuông hơi lõm ở bốn cạnh; thân già màu nâu tía tiết diện gần tròn hoặc có bốn ngấn lồi lớn. Lá đơn, mọc đối chéo chữ thập. Phiến lá hình bầu dục, đáy men xuống một phần cuống, bìa răng cưa hơi nhọn hoặc gần tròn ở hơn 2/3 phía trên, màu xanh tía hoặc tía sậm ở mặt trên, mặt dưới màu xanh nhạt hoặc hơi tía và có nhiều đốm tuyến hơn mặt trên, nhiều lông ở hai mặt, kích thước 2,5-5,5 x 1,5-4,5 cm; gân lá hình lông chim nổi rõ ở mặt dưới, 5-7 cặp gân phụ, màu nhạt hơn phiến lá. Cuống lá giống màu gân lá, hình trụ, mặt trên hơi có rãnh ở giữa, gốc có mấu rụng rõ, nhiều lông, dài 2-3,5 cm. Cụm hoa chùm xim bó dài 4-15 cm ở ngọn cành; xim co 3 hoa (xim bó*) mọc đối tạo thành vòng giả, khoảng cách giữa hai vòng giả 1-2 cm, các vòng giả tạo thành chùm. Lá bắc 1 cho 3 hoa, màu tía hay xanh tía, hình tim rộng hoặc hình trứng mũi mác, kích thước nhỏ dần về phía ngọn trục hoa, cuống rất ngắn, hơi hướng xuống, có gân nổi và nhiều lông, kích thước 3-6 x 3-7 mm. Cuống hoa màu xanh tía hoặc tía, hình trụ ngắn khoảng 0,4-0,6 cm, hơi nằm thẳng góc với trục hoa. Hoa nhỏ, lưỡng tính, không đều, mẫu 5. Lá đài 5, không đều, màu tía, dính nhau bên dưới thành ống hình chuông dài khoảng 2-3 mm, trên chia hai môi 1/4: môi trên một thùy hình trứng rộng hơi nhọn ở đỉnh, có gân dọc; môi dưới xẻ chia 4 thùy tam giác nhọn trong đó 2 thùy dưới dài và hẹp hơn hai thùy bên; đài đồng trưởng; tiền khai lợp. Cánh hoa 5, màu trắng hơi tím nhạt, mặt ngoài có nhiều lông và đốm tuyến màu vàng, dính nhau ở dưới thành ống hơi thắt ở gần đáy dài khoảng 2 mm, trên chia hai môi 4/1: môi trên 4 thùy xẻ cạn hình hơi tròn gần bằng nhau; môi dưới 1 thùy lớn nhất, hình trứng dài hơi khum lòng thuyền, đỉnh nhọn, bìa hơi nhăn; tiền khai tràng lợp. Nhị 4, kiểu 2 trội, chỉ nhị dạng sợi mảnh màu trắng đính khoảng giữa ống tràng xen kẽ với cánh hoa, gần chỗ đính có lông ngắn, nhị trước dài 0,6-0,7 cm, nhị sau dài 0,3-0,4 cm có cựa lồi không rõ; bao phấn màu vàng, hình bầu dục rộng, 2 buồng, nứt dọc, hướng trong, đính giữa; hạt phấn rời màu vàng, hình gần bầu dục dài hơi có rãnh, mặt ngoài có nhiều vân mạng, kích thước 37,5-42,5 x 20-30 µm. Lá noãn 2, vị trí trước sau, bầu trên hình cầu 2 ô, có vách giả chia làm 4 ô, mỗi ô 1 noãn đính đáy; một vòi nhụy màu tím nhạt, nhẵn, dạng sợi đính ở đáy bầu giữa các ô, dài khoảng 0,7-0,8 cm, tận cùng hai nhánh đầu nhụy màu trắng dài khoảng 1 mm choãi ra hướng trước sau. Đĩa mật ở gốc bầu dạng 4 gờ nạc. Quả bế 4, màu nâu, hình trứng, dài khoảng 1,2 mm, rốn hơi hẹp ở đáy, mang trong đài tồn tại màu vàng nâu khô xác.
- Ngoài mẫu Hương nhu tía ở Long An, chúng tôi còn thu thập được mẫu Hương nhu tía ở các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận và Tp. Hồ Chí Minh. Qua phân tích hình thái của tất cả các mẫu này nhận thấy ngoài loại Hương nhu tía có toàn cây (thân, lá, cụm hoa) màu tía phổ biến như mô tả của Thực vật chí Việt Nam còn có loại Hương nhu tía toàn cây có màu xanh lá có mùi thơm và đặc điểm hình thái giống như cây Hương nhu tía toàn cây có màu tía. Cây Hương nhu tía toàn cây có màu tía như đã mô tả và cây Hương nhu tía toàn cây có màu xanh lá chỉ khác biệt về màu sắc và một số khác biệt nhỏ về kích thước của thân và lá của cây. Mẫu Hương nhu tía toàn cây có màu xanh lá phân bố khá phổ biến ở vùng núi của tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận, mẫu này đôi khi dễ nhầm lẫn với loài Hương nhu trắng (Ocimum gratissimum L.), tuy nhiên có thể phân biệt qua mùi thơm và đặc điểm hình thái của cây này khác với cây Hương nhu trắng.
Hoa thức và Hoa đồ:
Tiêu bản:
Đặc điểm giải phẫu:
Thân:
Vi phẫu thân hình vuông. Các mô gồm: Tế bào biểu bì hình chữ nhật không đều, lớp cutin mỏng. Trên biểu bì rải rác có lỗ khí, lông che chở đa bào và lông tiết đa bào. Lông che chở có chân đa bào (do 2 hay nhiều tế bào biểu bì), đầu nhọn 1 dãy gồm 3-9 tế bào. Lông tiết nhiều dạng: loại đầu hình tròn hay bầu dục đơn bào, chân ngắn 1-2 tế bào, và loại lông tiết đầu tròn hoặc lõm (đầu to) ở giữa gồm 2-8 tế bào, chân rất ngắn. Mô dày góc 1-6 lớp tế bào hình đa giác hay gần tròn, không đều, tập trung nhiều ở bốn góc lồi. Mô mềm vỏ khuyết, khoảng 3-6 lớp tế bào hình đa giác hơi dài hoặc bầu dục nằm ngang, vách mỏng, ở thân già có xu hướng bị ép dẹp. Trụ bì hóa sợi thành từng đám 2-5 lớp. Ở thân già, tầng bì sinh xuất hiện dưới trụ bì sinh bần ở ngoài lục bì ở trong làm cho phần vỏ cấp 1 bị đẩy ra ngoài bong tróc nhiều. Libe 1 thường nằm dưới đám sợi trụ bì, tế bào hình đa giác kích thước nhỏ, vách uốn lượn, xếp lộn xộn. Libe 2 không liên tục, tế bào hình đa giác, vách mỏng. Gỗ 2 nhiều; mạch gỗ 2 kích thước không đều, hình tròn hoặc đa giác, xếp lộn xộn; mô mềm gỗ bao quanh mạch, hình đa giác vách dày không đều, tẩm chất gỗ, một số vách cellulose. Gỗ 1 tập trung thành cụm bên dưới gỗ 2, cụm dưới mỗi góc thường có 12-15 bó, cụm ở cạnh thường 1-2 bó, mỗi bó 2-4 mạch; mô mềm gỗ 1 tế bào nhỏ, xếp khít, vách cellulose, một số tẩm chất gỗ. Tia tủy nhiều, hẹp 1-4 dãy tế bào hoặc rộng nhiều dãy tế bào ở 4 cạnh, tế bào hình chữ nhật hoặc đa giác, kích thước lớn dần từ trong ra ngoài. Mô mềm tủy đạo, tế bào đa giác gần tròn kích thước lớn không đều. Tinh bột rải rác trong tế bào mô mềm vỏ và tia tủy, hạt tinh bột nhỏ, hình tròn dẹp, tụ thành đám.
Lá:
Cuống lá:
Mặt trên lõm ở giữa, mặt dưới lồi. Biểu bì tế bào hình chữ nhật, biểu bì trên kích thước bằng hoặc hơi lớn hơn biểu bì dưới, lớp cutin mỏng. Trên biểu bì có lỗ khí rải rác, nhiều lông che chở và lông tiết như ở thân. Mô dày góc, 4-6 lớp dưới biểu bì trên thường tách lớp, 1-4 lớp trên biểu bì dưới, tế bào hình đa giác, kích thước không đều khoảng 1-4 lần lớn hơn tế bào biểu bì. Mô mềm đạo tế bào đa giác hay gần tròn, to, không đều. Mô mềm đạo chứa lục lạp ở hai bên, thường dưới biểu bì có lỗ khí, 1-4 lớp tế bào đa giác hay gần tròn. Mô dẫn với gỗ ở trên libe ở dưới, 4-5 cụm xếp thành hình cung và 2-3 bó phụ nhỏ ở hai bên phía trên bó chính. Mạch gỗ nhỏ, tròn hay đa giác gần tròn xếp thành 3-8 dãy ở mỗi cụm, mỗi dãy có 1-6 mạch; xen kẽ với dãy gỗ là 1-5 dãy tế bào mô mềm hình đa giác, tế bào mô mềm giữa các cụm có kích thước lớn hơn tế bào mô mềm giữa các dãy mạch. Libe tế bào đa giác nhỏ, không đều, sắp xếp lộn xộn thành nhiều đám không liên tục xen kẽ với mô mềm vách cellulose dày. Phía trên gỗ là mô mềm đặc 1-3 lớp tế bào hình đa giác nhỏ, vách cellulose hơi dày. Phía dưới libe là mềm vách dày gồm 1-5 lớp tế bào hình đa giác kích thước nhỏ, không đều.
Gân giữa:
Mặt trên phẳng, mặt dưới lồi nhiều. Biểu bì tế bào hình chữ nhật, biểu bì trên hơi lớn hơn biểu bì dưới, tế bào biểu bì dưới khá đều, lớp cutin mỏng. Cả hai lớp biểu bì có lỗ khí, lông che chở và lông tiết giống như ở thân. Mô dày góc 1-5 lớp tế bào hình đa giác gần tròn kích thước không đều, phân bố sát biểu bì trên nhiều hơn biểu bì dưới, tách lớp. Mô mềm đạo tế bào hình tròn hoặc đa giác gần tròn, kích thước lớn, không đều. Mô dẫn gồm 4-5 bó với gỗ ở trên libe ở dưới xếp thành hình cung và 3-5 bó phụ nhỏ hơn ở giữa phía trên cung với gỗ ở dưới libe. Mạch gỗ nhỏ, tròn hay đa giác gần tròn xếp thành 3-8 dãy ở mỗi cụm, mỗi dãy có 1-6 mạch; xen kẽ với dãy gỗ là 1-4 dãy tế bào mô mềm hình đa giác vách cellulose, tế bào mô mềm giữa các cụm có kích thước lớn hơn tế bào giữa các dãy. Libe tế bào đa giác nhỏ, không đều, sắp xếp lộn xộn thành nhiều đám không liên tục xen kẽ với mô mềm vách dày cellulose. Trên gỗ là mô mềm đặc 1-3 lớp tế bào hình đa giác nhỏ, vách hơi dày. Phía dưới libe là mô mềm vách dày gồm 2-5 lớp tạo thành cụm, tế bào hình đa giác kích thước to nhỏ không đều.
Phiến lá:
Tế bào biểu bì trên hình bầu dục hoặc chữ nhật nằm, kích thước không đều. Tế bào biểu bì dưới hình dạng giống biểu bì trên nhưng kích thước to nhỏ rất khác nhau. Cả hai lớp biểu bì có lông che chở đa bào và lông tiết giống ở thân, lỗ khí nhiều ở biểu bì dưới. Nhiều chỗ biểu bì lõm xuống đính lông tiết. Mô mềm giậu 1 lớp tế bào hình chữ nhật không đều; 1-3 tế bào mô mềm giậu dưới mỗi tế bào biểu bì trên. Mô mềm khuyết nối từ lớp mô mềm giậu đến biểu bì dưới gồm 3-5 lớp tế bào hình đa giác vách hơi lượn, kích thước không đều, xếp chừa khuyết không đều. Nhiều bó gân phụ nhỏ bị cắt dọc hoặc cắt ngang.
Rễ:
Vi phẫu hình tròn. Các mô gồm: Bần vài lớp bị bong tróc và nhu bì vài lớp ép dẹp, tế bào hình chữ nhật hoặc đa giác, vách hơi lượn, không đều, xếp xuyên tâm. Mô mềm vỏ ngoài khuyết vài lớp tế bào đa giác dài hơi bầu dục nằm ngang, không đều, bị ép dẹp. Libe 2 gần liên tục, tế bào vách mỏng, xếp xuyên tâm thành nhiều lớp. Gỗ 2 chiếm tâm; mạch gỗ hình đa giác, tròn hay bầu dục kích thước to nhỏ không đều; mô mềm gỗ bao quanh mạch, vách tẩm gỗ, một số cellulose. Gỗ 1 khó phân biệt. Tia tủy hẹp ở phần gỗ hơi loe rộng ở phần libe, 1-3 dãy tế bào hình đa giác dài.
Đặc điểm bột dược liệu:
Bột toàn cây màu xanh hơi nâu đỏ, mùi thơm, vị cay. Thành phần gồm: Mảnh biểu bì tế bào vách uốn lượn có lỗ khí kiểu trực bào. Lông che chở đa bào một dãy bị gãy. Lông tiết đa bào nhiều. Mảnh cánh hoa. Hạt phấn hình gần bầu dục rãnh, bề mặt có vân mạng. Mảnh mạch (xoắn, mạng, vạch, điểm). Sợi. Tế bào mô cứng. Mảnh mô mềm tế bào vách mỏng.
Phân bố, sinh học và sinh thái:
Hương nhu tía phân bố phổ biến ở vùng nhiệt đới. Ở Việt Nam, Hương nhu tía thường được trồng làm rau ăn và làm thuốc. Cây ưa sáng, nóng và ẩm, ở các vùng núi cao có khí hậu cận nhiệt đới và hơi lạnh, không thấy trồng. Mùa hoa tháng 5-7.
Bộ phận dùng:
Dược liệu là toàn cây trên mặt đất (Herba Ocimi tenuiflori).
Thành phần hóa học:
Phần trên mặt đất chứa tinh dầu với thành phần chính của tinh dầu là eugenol (trên 70%), methyleugenol (trên 12%) và β-caryo-phyllen.
Tác dụng dược lý - Công dụng:
Hương nhu tía có vị cay, mùi thơm, tính ấm, vào 2 kinh: phế, vị, có tác dụng phát hãn (làm ra mồ hôi), thanh nhiệt, tán thấp, hành thủy, giảm đau.
Hương nhu tía được dùng theo kinh nghiệm dân gian để hạ sốt, chữa cảm nhất là cảm nắng, say nắng, nhức đầu, đau bụng, đi ngoài, nôn mửa, phù thũng. Dùng dưới dạng thuốc sắc hoặc uống hãm. Eugenol chiết từ Hương nhu tía được dùng trong nha khoa và là nguyên liệu để tổng hợp vanilin.
Hình ảnh cây Hương như tía tại Cần Thơ
Hình ảnh cây Hương nhu tía chụp tại chùa Tây Phương, Việt Nam
Thông tin nghiên cứu khoa học
1. NGHIÊN CỨU QUÁ TRÌNH TÁI SINH CHỒI CỦA HƯƠNG NHU TÍA (Ocimum tenuiflorum) TRONG NUÔI CẤY IN VITRO
Lưu ý:
Đừng nhầm lẫn Hương Nhu Tía (Ocimum tenuiflorum) với húng quế (Ocimum basilicum), loại rau rất thông dụng trong nấu ăn.
Bài thuốc chữa bệnh từ cây hương nhu tía
Trị chứng hôi miệng: Hương nhu tía 10g sắc với 200ml nước còn 100ml. Dùng nước sắc từ hương nhu để súc miệng và ngậm hàng ngày, nên dùng vào buổi sáng và tối trước khi đi ngủ. Dùng liên tục trong 15 ngày.
Giúp tóc nhanh dài, bóng mượt: Hương nhu tía, lá bưởi (hoặc vỏ bưởi), quả bồ kết khô (đã đốt qua), mỗi vị 10g, nấu với 3 lít nước, pha ấm gội đầu. Tuần gội 2 lần, giúp tóc nhanh dài và rất mượt.
Chữa tiêu chảy do lạnh bụng: Hương nhu tía 12g, tía tô (lá và cành), mộc qua, mỗi vị 9g, sắc nước với 3 bát nước còn 1 bát, uống trong ngày sau bữa ăn sáng.
Chữa phù thũng, nước tiểu đục: Hương nhu tía 9g, bạch mao căn (rễ cỏ tranh) 30g, ích mẫu thảo 12g, sắc với 600ml nước còn khoảng 200ml, uống thay trà hàng ngày. Mỗi liệu trình điều trị trong 10 ngày.
Trẻ chậm mọc tóc: Hương nhu tía 40g, sắc với 200ml nước, cô đặc, trộn với mỡ lợn, ngày bôi 1-2 lần. Trước khi bôi cần vệ sinh da đầu cho trẻ sạch sẽ tránh viêm nhiễm do da đầu bụi, bẩn.
Chữa cám sốt, nhức dầu, dau bụng, chân tay lạnh: Hương nhu tía 500g, hậu phác (tẩm gừng nưóng) 200g, bạch biến đậu (sao) 2000g. Tất cả tán nhỏ, trộn đều, mỗi lần uống 10g có khi đến 20g với nước sôi để nguội.
Chữa cảm, làm ra mồ hôi, hạ sốt: Hương nhu, hoắc hương, bạc hà, sả, tía tô, lá bưởi, lá chanh mỗi thứ 10g. Tất cả rửa sạch, đun sôi dùng xông hơi (Nồi nước xông).
Phòng, chữa cảm nấng, say nắng: Lá hương nhu 32g, hạt đậu ván -32g, củ sắn dây 24g, gừng sống 12g. Các vị phơi khô, tán nhỏ, rây bột mịn. Mỗi lần người lớn dùng 16g, trẻ em 8g; hãm với nước sôi, gạn uống (kinh nghiệm của Viện Y học cổ truyền).
Chữa trẻ em chậm mọc tóc: Hương nhu sắc đặc, hòa với mỡ lợn bôi hàng ngày.
Lưu ý: Những người hay ra nhiều mồ hôi không nên dùng đơn thuốc có sử dụng hương nhu tía.
Tin tức tham khảo thêm: Những công dụng của lá hương nhu tía có thể bạn chưa biết
1. Trị mụn, chống nhiễm trùng
Hương nhu tía đã được chứng minh là có đặc tính kháng khuẩn, kháng virus, chống nấm, chống viêm và giảm đau. Loại thảo mộc này sẽ giúp tiêu diệt vi khuẩn có thể gây ra mụn và nhiễm trùng da.
Vì vậy, từ xa xưa, nhiều nền y học ở phương Đông đã xem lá hương nhu màu tía như một phương thuốc tự nhiên tuyệt vời cho vết thương, cải thiện tình trạng mụn trứng cá và các kích ứng da khác. Thêm vào đó, thảo mộc còn có lợi cho da nhằm điều trị nhiễm trùng da cả bên trong lẫn bên ngoài.
Hợp chất hoạt động chính của tinh dầu hương nhu bao gồm các thành phần trị liệu như eugenol, gamma-caryophyllene và methyl eugenol. Chúng cũng là thành phần hoạt chất tinh túy trong dầu đinh hương.
2. Bảo vệ khỏi bệnh đái tháo đường
Tác dụng của hương nhu tía bao gồm khả năng kiểm soát lượng đường trong máu đã được chứng minh bằng một số thí nghiệm trên ống nghiệm và động vật, cũng như các thử nghiệm lâm sàng ở người.
Trong 1 thử nghiệm, những bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường không phụ thuộc insulin khi sử dụng lá hương nhu tía đã có kết quả khả quan về việc giảm mức đường huyết lúc đói, sau bữa ăn và lượng đường trong nước tiểu cũng như mức cholesterol toàn phần trong giai đoạn điều trị.
Nhìn chung, các nhà nghiên cứu kết luận rằng hương nhu tía có thể được thêm vào kế hoạch điều trị cho bệnh nhân không phụ thuộc insulin mức độ từ nhẹ đến trung bình.
3. Hương nhu tía giảm cholesterol
Vì hương nhu có màu tím giúp tăng cường trao đổi chất, cũng có thể giúp giảm cân và giảm mức cholesterol. Trên một nghiên cứu ở thỏ, các nhà nghiên cứu nhận ra sự thay đổi đáng kể trên các phân tử chất béo, ngoài ra, chỉ số cholesterol xấu (LDL-cholesterol) cũng giảm thấp hơn và chỉ số cholesterol tốt (HDL-cholesterol) lại tăng cao hơn.
4. Bảo vệ dạ dày
Lá hương nhu màu tím có thể chống lại tác động của tình trạng loét dạ dày do căng thẳng cũng như bảo vệ dạ dày bằng cách:
- Giảm axit dạ dày
- Tăng tiết chất nhầy
- Tăng tế bào chất nhầy
- Kéo dài tuổi thọ của các tế bào chất nhầy.
5. Hương nhu tía giảm sốt
Hương nhu có màu tía được khuyên dùng như một loại thuốc hạ sốt tự nhiên. Thành phần từ loại thảo mộc này chứa các chất kháng sinh, diệt khuẩn và khử trùng, từ đó bảo vệ cơ thể khỏi vi khuẩn và virus khi mắc bệnh, chẳng hạn như bị sốt.
6. Cải thiện hệ hô hấp
Nếu bạn bị chứng viêm xoang làm phiền hoặc các tình trạng hô hấp khác, hãy thử uống hoặc xông hơi bằng lá hương nhu màu tím. Những hợp chất có lợi trong loại thảo mộc này sẽ hỗ trợ khai thông đường thở, cải thiện tình trạng tắc nghẽn và giúp bạn cảm thấy bớt khó chịu.
7. Bổ sung vitamin K
Vitamin K là một vitamin tan trong chất béo thiết yếu, đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe của xương và tim. Loại vitamin này nằm trong danh sách những vitamin chính liên quan đến khoáng hóa xương và đông máu nhưng đồng thời cũng giúp duy trì chức năng não, hệ chuyển hóa và sức khỏe của tế bào.
Một cốc trà lá hương nhu có màu tía sẽ cung cấp đủ lượng vitamin K mà cơ thể cần mỗi ngày, từ đó ngăn ngừa tình trạng thiết hụt loại vitamin này.
8. Chăm sóc răng miệng
Sự sinh sôi của vi khuẩn trong miệng sẽ dẫn đến sâu răng, mảng bảm, cao răng và hôi miệng. Bên cạnh kem đánh răng thì những biện pháp từ thiên nhiên cũng sẽ hỗ trợ phần nào và lá hương nhu tía sẽ là một gợi ý lý tưởng dành cho bạn.
Sử dụng nước súc miệng có chứa chiết xuất hương nhu tía hai lần mỗi ngày giúp giảm mảng bám và nguy cơ phát triển viêm nướu.
Kiêng kỵ khi sử dụng hương nhu tía
1. Những ai không nên sử dụng hương nhu tía?
Mặc dù cây hương nhu tím là thảo dược thiên nhiên lành tính, nhưng nó chống chỉ định với một số trường hợp sau:
Người bị ra nhiều mồ hôi
Người âm hư và khí hư
Người bị ho lao tuyệt đối không sử dụng hương nhu tía.
Phụ nữ mang thai cho con bú nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng hương nhu tía.
Trước khi phẫu thuật, nên ngưng sử dụng hương nhu tía khoảng 2 tuần.
2. Tương tác thuốc
Hương nhu tía dược liệu có khả năng tương tác với một số nhóm thuốc như:
Thuốc làm chậm đông máu bao gồm thuốc chống huyết khối, thuốc chống đông có khả năng tương tác với một số thành phần của hương nhu. Hương nhu tía kết hợp với thuốc chống đông máu làm tăng nguy cơ bầm tím và chảy máu. Một số nhóm thuốc làm chậm đông máu phổ biến như dalteparin (Fragmin®), enoxaparin (Lovenox®), aspirin, warfarin (Coumadin®), clopidogrel (Plavix®), heparin, ticlopidin (Ticlid®) và các loại khác.
Pentobarbital tương tác với hương nhu. Pentobarbital gây buồn ngủ. Có một số người lo ngại rằng việc sử dụng dầu hạt hương nhu với pentobarbital có thể gây buồn ngủ quá nhiều.
3. Những điều cần lưu ý khi sử dụng dược liệu hương nhu tía
Khi sử dụng hương nhu tía dược liệu, bạn cần lưu ý đến một số vấn đề sau:
Sử dụng đúng dược liệu hương nhu tía.
Không sử dụng dược liệu ẩm mốc hoặc có mùi lạ.
Tìm hiểu về nguyên liệu và tương tác thuốc trước khi sử dụng.
Tham khảo ý kiến bác sĩ khi muốn sử dụng hương nhu tía trong các bài thuốc.
YDHVN.COM Tổng hợp
⭐️Nhấp vào liên kết https://temu.to/k/uqlwz2gku6j để nhận gói giảm giá $ ₫1.500.000 hoặc ⭐️Tìm kiếm ach735692 trên ứng dụng Temu để nhận chiết khấu $ 30%!! |
Facebook Conversations