views
Trong cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố ngày 13/4, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung, cho biết người dân có thói quen khi ho, sốt đến hiệu thuốc để tự mua và sử dụng. Trong khi đó, các nước mua thuốc phải có chỉ định của bác sĩ.
Từ thực tế này, ông Chung đề nghị thông báo đến tất cả hiệu thuốc trên địa bàn thành phố, nếu cá nhân nào mua thuốc ho, sốt thời gian qua phải báo ngay cho y tế phường để lấy mẫu xét nghiệm.
"Sở Y tế đã có kết nối với 7.000 cửa hàng thuốc này, bây giờ hãy gửi thư thông báo cho họ", Chủ tịch UBND Hà Nội nhấn mạnh.
Ông cũng yêu cầu các phòng khám tư nhân, bác sĩ tư nhân, bác sĩ về hưu, khi có bệnh nhân ho, sốt, khó thở đến điều trị phải thông báo để lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ, không bỏ sót trường hợp nào.
Ông Chung nhấn mạnh đây là nhiệm vụ tham gia phòng, chống dịch. Nếu hiệu thuốc nào để sót trường hợp này phải xử lý theo đúng quy định pháp luật. Những trường hợp để lọt có thể bị tước giấy phép vĩnh viễn.
Đọc thêm bài: Hà Nội yêu cầu hiệu thuốc báo cáo 'người mua thuốc cảm'
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Quốc Thái, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết việc tự mua thuốc điều trị tình trạng cảm cúm tại các hiệu thuốc có thể làm mất dấu những người mắc Covid-19.
Điều đáng lo ngại là nếu có bệnh nhân mắc Covid-19 tự điều trị sẽ phát tán virus cho những người xung quanh. "Giải pháp cốt lõi để phát hiện sớm ca bệnh Covid-19 hiện nay là cần khuyến cáo người dân có biểu hiện viêm đường hô hấp cấp tính đến khám tại các cơ sở y tế để được làm xét nghiệm chẩn đoán bệnh. Vì nhiều lý do khác nhau, trong trường hợp chưa đến ngay được cơ sở y tế, người dân cần thực hiện khai báo y tế để được tư vấn và hỗ trợ", bác sĩ Thái nói.
Đồng quan điểm, TS Phạm Đức Hùng, Bệnh viện Nhi Cincinnati, Ohio, Mỹ, cho rằng việc khai báo y tế khi có biểu hiện ho, sốt trước khi tự ý đến hiệu thuốc mua thuốc là cần thiết. Người mắc Covid-19 đến mua thuốc và có thể khiến hiệu thuốc trở thành trung tâm truyền bệnh cho người khỏe mạnh.
Ngoài ra, theo bác sĩ Thái, diễn biến bệnh Covid-19 có thể chuyển nặng, không lường trước được.
"Việc tự điều trị bệnh tại nhà có thể dẫn đến những hậu quả khôn lường về sức khỏe, thậm chí có thể ảnh hưởng tính mạng. Bên cạnh đó, điều trị tại nhà khi không kiểm soát tốt việc phòng ngừa lây nhiễm có thể làm cho bệnh lây lan đến những người xung quanh. Thời kỳ đầu khi dịch xuất hiện ở Vũ Hán, nhiều trường hợp tự điều trị tại nhà đã làm dịch bệnh lan tràn và tăng tỷ lệ tử vong", chuyên gia cho hay.
Về thông tin sử dụng thuốc ho, hạ sốt có thể gây hiện tượng âm tính giả với SARS-CoV-2, TS Phạm Đức Hùng lý giải xét nghiệm sẽ tìm RNA (nguyên liệu) của virus trong hầu họng hoặc kháng thể phát hiện virus. Trường hợp không phát hiện được SARS-CoV-2 (âm tính giả) là do bộ xét nghiệm có vấn đề, không phải do thuốc ho, hạ sốt.
Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Hà, Phó chủ tịch Hội Truyễn nhiễm Việt Nam, ngoài việc khống chế các ổ dịch đã phát hiện, ở giai đoạn hiện nay, chúng ta phải tiếp tục theo dõi những trường hợp không thuộc các ổ dịch này. Việc cảnh giác, tiếp tục theo dõi các ca ngoài cộng đồng và những người có dấu hiệu bệnh là rất quan trọng. Bởi một số trường hợp có thể nhiễm virus sau đó lưu hành, đi lại nhiều và lây người khác mà chúng ta không thể biết trước.
Các chuyên gia khuyến cáo người dân không nên chủ quan khi tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp. Tuân thủ tốt yêu cầu ở nhà, giữ khoảng cách khi tiếp xúc giúp giảm nguy cơ lây truyền bệnh.
Giãn cách xã hội là biện pháp khống chế dịch hiệu quả hiện nay. Tuy nhiên, biện pháp này chỉ đạt hiệu quả khi có được sự tuân thủ của toàn dân. Nhận thức và hành động tích cực của mỗi người dân sẽ góp phần nhanh chóng đẩy lùi đại dịch.
Nguồn: https://zingnews.vn/tu-y-mua-thuoc-ho-sot-co-the-lam-mat-dau-nguoi-mac-covid-19-post1072542.html
⭐️Nhấp vào liên kết https://temu.to/k/uqlwz2gku6j để nhận gói giảm giá $ ₫1.500.000 hoặc ⭐️Tìm kiếm ach735692 trên ứng dụng Temu để nhận chiết khấu $ 30%!! |
Facebook Conversations