menu
Cây dược liệu cây Trạch Tả - Alisma Plantago - Aquatica
Cây dược liệu cây Trạch Tả - Alisma Plantago - Aquatica
Dịch vụ tư vấn lập dự án như Dự án trồng dược liệu quý đến các nông nghiệp, xây dựng, du lịch... Với kinh nghiệm sâu rộng, chúng tôi đảm bảo lập ra các dự án hiệu quả, bền vững, hỗ trợ từ khâu nghiên cứu, phân tích đến thực thi. Liên hệ ngay để biến ý tưởng thành hiện thực!
Theo Đông y, trạch tả có vị ngọt, tính hàn, không độc, có tác dụng lợi tiểu, tiêu thũng, trừ thấp, kiện vị, giảm béo, thanh nhiệt. Tên thường gọi: Trạch tả, Tên khoa học: Alisma plantago - aquatica L., thuộc họ Trạch tả - Alismataceae.

1. Hình ảnh mô tả Cây Trạch Tả - Alisma Plantago - Aquatica

Hình ảnh mô tả Cây Trạch Tả - Alisma Plantago - Aquatica Cây Trạch Tả - Alisma Plantago - Aquatica

Tên khoa học: Alisma Plantago - aquatica L

Tên thường gọi: Trạch tả còn có tên là Mã đề nước là thân củ chế biến phơi hay sấy khô của cây Trạch tả (Alisma Plantago-aquatica L var orientalis Samuels), dùng làm thuốc được ghi đầu tiên trong sách Bản kinh.

Mô tả: Cây thảo cao 40-50cm, có thân rễ hình cầu hay hình con quay nạc. Lá dai, phiến hình trái xoan - mũi mác hoặc lõm ở gốc, mọc đứng hoặc trải ra, dài 15-20cm, rộng 3-7cm; gân từ gốc 5-7, cuống lá dài bằng phiến. Cụm hoa chuỳ to, cao 30-120cm, nhánh dài mang xim co gồm những hoa lưỡng tính; lá đài 3; cánh hoa 3; nhị 6, lá noãn 20-30 đính theo một vòng. Quả bế đẹp.

Mùa hoa tháng 10-11.

2. Thông tin mô tả Dược Liệu

Bộ phận dùng: Thân rễ - Rhizoma Alismatis, thường gọi là Trạch tả

Nơi sống và thu hái: Cây mọc hoang ở các đầm ao và ruộng. Cũng được trồng lấy thân rễ làm thuốc. Thu hái thân rễ vào mùa thu, rửa sạch, cạo hết rễ nhỏ, phơi khô và sấy với diêm sinh. Khi dùng tẩm rượu hoặc nước muối, sao vàng.

Thành phần hoá học: Thân rễ chứa tinh dầu có alisol A.B.C và epialisol A. nhựa, protid và tinh bột.

Tính vị, tác dụng: Vị ngọt, mặn, tính hàn; có tác dụng lợi thuỷ trừ thấp, tả hoả chỉ di. Cũng có tác dụng bổ, kích thích, nhuận tràng, lợi sữa, long đờm, chống nôn.

Công dụng, chỉ định và phối hợp: Thường dùng chữa tiểu tiện bất lợi, đái đường, thuỷ thũng, viêm thận, bí tiểu tiện, đái ra máu, đái dắt, đái buốt, bụng đầy trướng, ỉa chảy, kiết lỵ, bạch đới, hoàng đản, mắt đỏ, đau lưng, di tinh. Cũng có thể dùng làm thuốc lợi sữa cho phụ nữ thiếu sữa và chữa được chứng choáng, đầu váng mắt hoa. Ngày dùng 8-16g, dạng thuốc sắc hoặc hoàn tán.

Lá dùng ngoài trị bệnh ngoài da.

Ðồng bào Thái ở Mộc Châu lấy lá và nụ hoa đem về nấu ăn.

Ðơn thuốc: Chữa thuỷ thũng, đái đục và ỉa chảy có khát nước, nôn oẹ: Trạch tả 12g, ý dĩ sao 10g. Ty giải 10g, tán bột uống hay sắc uống.

Ghi chú: Hạt Trạch tả cũng có tác dụng lợi tiểu như hạt Mã đề.

3. Hình ảnh Hoa Trên Cây Trạch Tả - Alisma Plantago - Aquatica

Hình ảnh Hoa Trên Cây Trạch Tả - Alisma Plantago - Aquatica

4. Hình ảnh cây Trạch tả

Hình ảnh cây Trạch tả

Cây Trạch tả mọc hoang ở vùng ẩm ướt nhiều nơi trong nước ta như Cao bằng, Lạng sơn, Điện biên, Hà nam, Ninh bình, Thái bình. Hái lấy rễ củ rửa sạch, cạo hết rễ nhỏ, phơi hay sấy khô làm thuốc.

5. Những bài thuốc đông y dùng cây Trạch tả: theo DS. Hữu Bảo

Chữa thủy thũng, cổ trướng: trạch tả, xích phục linh, mạch môn, bạch truật, mỗi thứ 12g; vỏ rễ râu, tía tô, hạt cau, mộc qua, mỗi thứ 10g; đại phúc bì, trần bì, sa nhân, mộc hương mỗi thứ 8g; đăng tâm 10 sợi. Tất cả thái nhỏ, sắc với 400ml nước, còn 100ml, uống làm 2 lần trong ngày.

Hoặc trạch tả 12g, ý dĩ sao 10g, tỳ giải 10g. Tán bột hoặc sắc uống.

Chữa tiểu tiện khó, đái rắt, đái buốt: trạch tả 12g, sa tiền tử 10g, thông thảo 6g. Sắc uống ngày một thang.

Chữa cước khí, bí tiểu tiện, tức ngực: trạch tả 10g, khiên ngưu 8g, binh lang, xích phục linh, chỉ xác, mộc thông, mỗi thứ 6g. Tất cả tán thành bột, nấu với gừng tươi, hành ta lấy nước uống trong ngày

Chữa viêm thận, đái ít, phù: trạch tả 16g, bạch truật, phục linh, trư linh, mỗi thứ 12g; quế chi 8g. Tất cả thái nhỏ, phơi khô, sắc uống.

Chữa lipid máu cao: trạch tả 8g, mộc hương, thảo quyết minh, tang ký sinh, mỗi thứ 6g; hà thủ ô đỏ, hoàng tinh, kim anh tử, sơn tra, mỗi thứ 3g. Tất cả nấu với nước thành cao rồi trộn với bột gạo làm thành viên, mỗi viên tương đương với 1,1g dược liệu. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 5-8 viên.

Chữa gan nhiễm mỡ: trạch tả 20g, hà thủ ô (sống), thảo quyết minh, đan sâm, hoàng kỳ, mỗi vị 15g; sơn tra (sống) 30g, hổ trương 15g, hà diệp 15g. Sắc nước uống, ngày một thang.

Chữa béo phì đơn thuần: trạch tả, thảo quyết minh, sơn tra, mỗi thứ 12g: phan tả diệp 8g. Tất cả thái nhỏ hãm với nước sôi, uống làm hai lần trong ngày. Một đợt điều trị kéo dài 4 tuần.   

6. Trạch tả trồng ở Ninh Bình có chất lượng tốt nên được thị trường ưa chuộng

Trạch tả trồng ở Ninh Bình có chất lượng tốt nên được thị trường ưa chuộng Củ rễ cây Trạch tả

Trồng trạch tả đơn giản, tốn ít công chăm sóc, lợi nhuận khá hấp dẫn

Vụ đông 2017, xã Khánh Thành (huyện Yên Khánh, Ninh Bình) trồng 50ha cây trạch tả, chiếm trên 30% diện tích cây vụ đông toàn xã.

Ông Phạm Văn Thẫn, Giám đốc HTX Sản xuất và tiêu thụ nông sản an toàn xã Khánh Thành cho biết, trạch tả là cây dược liệu dễ trồng, dễ chăm sóc, lại ưa chân ruộng trũng, ít bị sâu bệnh, thời gian từ khi ươm giống đến khi thu hoạch từ 3 đến 4 tháng, rất thích hợp trồng trên đất hai vụ lúa. Bình quân 1 mẫu cho thu hoạch khoảng 3 tấn.

Là người gắn bó với nghề trồng cây trạch tả gần chục năm nay, anh Phạm Văn Hợp cho biết, vụ đông này gia đình anh tiếp tục gieo 2 mẫu trạch tả. Đầu tư trồng 1 sào từ 600 - 800 nghìn đồng, sau 4 tháng có thể thu hoạch, năng suất đạt 1 - 1,2 tạ củ khô/sào, với giá bán hiện tại 30 - 40 nghìn đồng/kg, sau khi trừ chi phí thu lãi 3 - 3,5 triệu đồng/sào.

"Những năm trước, sản phẩm của cây trạch tả do một số đầu mối thương lái thu mua nên giá cả bấp bênh. Từ khi lãnh đạo xã quan tâm kết nối các doanh nghiệp tiêu thụ nên đầu ra ổn định. Vì thế gia đình tôi sẽ gắn bó lâu dài với loại cây trồng này", anh Hợp cho biết thêm.

Cũng trồng với diện tích lớn, đầu tư giống tốt, gia đình anh Lê Trường Sinh ở xã Khánh Cường đạt năng suất rất cao. Nói về giá trị mà cây trồng này mang lại, anh Sinh cho hay: "Nhà tôi trồng cây trạch tả đã hơn 5 năm, thu lợi nhuận gấp ba lần so với cây lúa. Trong khi trồng lúa mỗi vụ chỉ thu được hơn 1 triệu đồng mà chăm sóc rất vất vả. Còn cây trạch tả thì chăm sóc rất đơn giản không phải phòng trừ sâu bệnh. Nhờ đó gia đình tôi có của ăn, của để, có tiền cho hai đứa con học đại học".

Ông Nguyễn Văn Công, Chủ tịch Hội Nông dân xã Khánh Cường cho biết: Người dân nơi đây trồng cây trạch tả đã lâu, song chỉ mang tính tự phát. Vì vậy, Hội Nông dân xã đã mời Phòng Nông nghiệp huyện, Sở NN-PTNT về đánh giá trước khi mở rộng diện tích trồng... Xã cũng đang có chủ trương quy hoạch vùng trồng trạch tả với diện tích hơn 10ha.

Được biết, vụ đông 2017 toàn tỉnh Ninh Bình gieo trồng 8.723ha cây trồng chính, trong đó có 115ha cây trạch tả, tập trung chủ yếu tại các huyện Yên Khánh, Kim Sơn và một số xã ở huyện Gia Viễn. Theo những người thu gom dược liệu thì trạch tả trồng ở Ninh Bình có chất lượng tốt nên được thị trường ưa chuộng.

What's your reaction?

Facebook Conversations