views
Thông tin hình ảnh mô tả cây thuốc, cây dược liệu quý
Tên khác: Đồng tiền lông, Kim tiền, Mắt trâu, Vảy rồng, Mắt rồng
Tên khoa học: Desmodium styracifolium (Osb.) Merr.
Tên đồng nghĩa: Desmodium capitatum (Burm.f.) DC., Desmodium retroflexum (L.) DC., Hedysarum styracifolium Osb., Uraria retroflexa (L.) Drake.
Họ: Đậu (Fabaceae) - Phân họ Đậu (Faboideae)
Tên nước ngoài: Coin-leaved Desmodium.
Thông tin thêm: Cây dược liệu cây Vẩy rồng, Cây mắt trâu, Kim tiền thảo - Desmodium styracifolium (Osb.) Merr
Mẫu thu hái tại: Bắc Giang, tháng 05/2007.
Số hiệu mẫu: KTT0507
Thân cỏ, mọc bò. Thân hình trụ, màu xanh hơi vàng, phủ đầy lông mịn màu vàng hoe. Lá mọc so le, đơn hay kép lông chim lẻ gồm 1-3 lá chét; lá chét ở giữa to hơn 2 lá bên. Cuống lá dài 2-4 cm, hình trụ phù ở đáy, phủ đầy lông trắng. Hai lá kèm hình mũi mác, dài 6-9 mm, ngang 2-3 mm, nhiều gân dọc, đầy lông trắng mịn. Lá kèm con nhỏ, hình tam giác. Lá chét có phiến tròn hoặc hơi xoan, đường kính 2-4 cm, ít khi đến 5 cm, mép nguyên, đỉnh tròn hay tù hoặc chia 2 thùy cạn, đáy hình tim; mặt trên nhẵn, màu hơi vàng hoặc lục xám; mặt dưới mốc mốc do phủ đầy lông mịn màu trắng; gân lá kiểu lông chim nổi rõ ở mặt dưới, gân phụ 8-10 đôi; cuống lá dài 1-2 mm, phủ đầy lông trắng mịn. Hai lá chét bên có phần phiến hai bên gân giữa không đều nhau ở gốc, một bên to, một bên hơi nhỏ hơn. Cụm hoa: chùm dài đến 5 cm, thường ở ngọn cành ít khi ở nách những lá phía ngọn; mỗi mấu của chùm là một xim co gồm 2 hoa có chung một lá bắc; giữa 2 gốc cuống hoa có một u lồi nhỏ. Cụm hoa phủ đầy lông trắng mịn. Hoa nhỏ, không đều, lưỡng tính, mẫu 5. Hai cuống hoa của xim hướng ra hai bên sau đó xụ xuống trên quả. Lá bắc hình bầu dục hơi khum, thuôn nhọn ở đỉnh, dài 4-5 mm, ngang 2-3 mm, nhiều gân dọc. Đài cao 3-4 mm, có nhiều lông mịn ở mặt ngoài, nhẵn ở mặt trong, tồn tại ở gốc quả. Lá đài 5, dính nhau một ít bên dưới thành một ống cao 1 mm, phía trên chia thành 5 thùy hình tam giác không đều, dài 3-4 mm, ngang 1-2 mm, tiền khai lợp; các thùy không bằng nhau tạo thành hai môi kiểu 2/3, môi trên ngắn hơn môi dưới và chia thành 2 thùy nhỏ hình tam giác ở đỉnh, môi giữa gồm 3 thùy dính nhau một ít phía dưới, thùy giữa dài hơn 2 thùy bên. Tràng cao khoảng 6 mm uốn cong về phía sau. Cánh hoa 5, màu tím hồng, nhẵn, nhiều gân dọc, không đều, tiền khai cờ; cánh cờ to nhất ở phía sau, gần tròn, đường kính 5-6 mm, đầu chia 2 thùy cạn; 2 cánh bên nhỏ hơn, thuôn dài, cao 4-5 mm, ngang 3 mm, gốc có 1 tai nhỏ; lườn cao 5 mm, ngang 2 mm, bao lấy cơ quan sinh sản, có 2 tai nhỏ ở hai bên. Nhị 10, không đều, 9 nhị phía trước dính nhau ở phần lớn chỉ nhị thành một ống cao 4-5 mm xẻ dọc ở phía sau bao lấy cơ quan sinh sản, nhị sau rời, dài 4 mm. Chỉ nhị màu trắng, nhẵn. Bao phấn hình bầu dục, màu vàng, 2 ô, hướng trong, nứt dọc; chỉ nhị gắn vào đáy bao phấn. Hạt phấn rời, màu vàng nhạt, thường hình cầu ít khi hình bầu dục có 2 rãnh dọc ở hai bên. Lá noãn 1, tạo thành bầu 1 ô đựng 5-6 noãn đính ở mép thành 2 hàng so le nhau. Bầu trên, màu lục, dẹp, dài khoảng 2 mm, đầy lông trắng. Vòi nhụy 1, dạng sợi, nhẵn, màu lục nhạt, đính ở đỉnh bầu. Đầu nhụy 1, nhỏ, hình khối tròn, màu lục. Quả loại đậu xụ xuống, mang đài tồn tại ở gốc, dẹp, dài 1,5-2 cm, ngang 3-4 mm, nhiều lông trắng mịn, chia thành 2-6 đốt, hiếm khi 1.
Hoa thức và Hoa đồ:
Đặc điểm giải phẫu:
Thân: Vi phẫu có tiết diện tròn. Biểu bì có cutin mỏng, đôi khi có lỗ khí, mang lông che chở và lông tiết: lông che chở đa bào ở khắp cùng, gồm 1-2 tế bào ngắn ở phía gốc và 1 tế bào rất dài ở phía ngọn, có 3 dạng:
• Lông nhỏ, rất nhiều, dài 40-120 µm, ngang 6,5-7,5 µm, đầu thẳng hay cong như cái móc câu, vách nhẵn.
• Lông vừa, ít hơn dạng trên, dài 190-360 µm, ngang 12,5-17,5 µm, đầu thẳng, vách nhẵn.
• Lông rất dài, hiếm gặp, dài 750-850 µm, ngang 25-27,5 µm, đầu thẳng, vách lấm tấm.
Lông tiết ít gặp hơn lông che chở, có 2 dạng:
• Lông tiết có dạng đặc biệt gồm 3 phần: chân rất ngắn 1 tế bào, bụng phình to dài 70-90 µm gồm 4-5 lớp tế bào xếp chồng lên nhau, mỗi lớp có 1-4 tế bào, trên cùng là một phần thuôn hẹp đầu tròn, dài 130-210 µm, thường bị gãy ngang, gồm 4-6 tế bào xếp chồng lên nhau.
• Lông tiết ngắn: chân 1 tế bào, đầu 2 tế bào xếp song song; dạng này rất hiếm.
Dưới biểu bì là mô dày tròn tạo thành vòng liên tục, gồm 3-4 lớp tế bào hình tròn hay hình đa giác, vách ít dày. Mô mềm vỏ gồm vài lớp tế bào hình bầu dục xếp ngang, ít khi tròn, không đều, vách mỏng; giữa các tế bào có đạo nhỏ. Trụ bì gồm 3-5 lớp tế bào hình đa giác, không đều, xếp khít nhau, hóa sợi thành từng cung ngắn, vách mỏng đến dày. Libe tạo thành vòng bao quanh gỗ. Gỗ cấp 2 liên tục thành vòng; mạch gỗ to, không đều, tập trung thành từng cụm ngay dưới cung sợi trụ bì; tế bào mô mềm gỗ có vách mỏng; tia gỗ nhiều và rõ, gồm 1-2 dãy tế bào. Mạch gỗ 1 xếp thành từng bó phân hóa ly tâm, chỉ tập trung bên dưới cụm mạch gỗ 2. Mô mềm ruột gồm những tế bào to, không đều, hình đa giác, vách mỏng, xếp chừa những đạo nhỏ; vùng mô mềm dưới đám gỗ 1 vách tế bào tẩm chất gỗ. Trong mô mềm ruột rải rác có những tế bào đặc biệt: vách mỏng bằng cellulose nhưng có những dải băng tẩm chất gỗ xếp đan chéo, bên trong có rất nhiều tinh thể calci oxalat hình lăng trụ; đôi khi những dải băng này không còn. Tinh thể calci oxalat hình khối lăng trụ rải rác trong libe và mô mềm vỏ nhưng nhiều trong lớp tế bào mô mềm sát trên sợi trụ bì.
Lá
Gân giữa: Lồi ít ở mặt trên, nhiều ở mặt dưới. Biểu bì trên nhẵn, lớp cutin mỏng. Biểu bì dưới có cutin dày, rất nhiều lông che chở hình dạng giống như ở thân, tuy nhiên dạng lông dài có số lượng nhiều hơn, lông tiết ít gặp và hình dạng giống như ở thân. Mô dày tròn ngay dưới biểu bì, gồm 1-2 lớp tế bào vách ít dày. Dưới biểu bì trên thường có một bó dẫn nhỏ được bao quanh bởi vòng mô cứng, vách tế bào dày nhiều hay ít; hai bên vòng mô cứng là 2 cụm tế bào mô mềm, mỗi cụm gồm 2 lớp tế bào thuôn dài xếp so le nhau. Libe gỗ xếp thành 3 vùng:
• Một cung chính ở giữa, gỗ xếp ở trên và libe ở dưới, trụ bì hóa mô cứng.
• Phía trên là 1 hoặc 2 cụm libe gỗ, 1 cụm lớn và 1 cụm nhỏ, libe ở trong và gỗ tạo thành vòng bên ngoài.
• Giữa cung chính và cụm libe gỗ có 2-3 bó dẫn nhỏ.
Mô mềm gồm những tế bào gần tròn, vách mỏng, xếp chừa những đạo nhỏ; vùng phía trên cung libe gỗ chính thì đa số tế bào có vách tẩm chất gỗ. Tinh thể calci oxalat hình lăng trụ, rải rác trong mô mềm nhưng nhiều trong lớp tế bào ngay dưới sợi trụ bì.
Phiến lá: Biểu bì trên ít lỗ khí, không có lông che chở và lông tiết. Biểu bì dưới có nhiều lỗ khí, lông che chở và lông tiết hình dạng giống như ở thân. Thịt lá có cấu tạo dị thể: Mô mềm giậu gồm 2 lớp tế bào hình chữ nhật ngắn, mô mềm khuyết gồm những tế bào không đều, rải rác có những bó libe gỗ nhỏ. Tinh thể calci oxalat hình lăng trụ, rải rác trong mô giậu và mô khuyết.
Cuống lá có hình tam giác. Biểu bì với lớp cutin mỏng, rải rác có lỗ khí. Lông che chở rải rác khắp cùng, hình dạng và tỷ lệ các loại giống như ở thân. Lông tiết ít, giống như ở thân. Mô dày tròn gồm 2-4 lớp tế bào vách rất dày ở góc; ở cạnh thì chỉ có 1 lớp tế bào vách ít dày. Mô mềm vỏ tế bào gần tròn, không đều, vách mỏng; giữa các tế bào có đạo nhỏ. Libe và gỗ: Libe tạo thành vòng bao quanh gỗ. Gỗ là vòng không liên tục, dày ở góc và mỏng hơn ở cạnh. Mạch gỗ to, không đều, tập trung ở các góc thành 3 cụm to; ở cạnh chỉ một vài cụm nhỏ. Mô mềm ruột gồm những tế bào to, không đều, hình đa giác, vách mỏng, xếp chừa những đạo nhỏ. Trong mô mềm ruột rải rác có những tế bào đặc biệt: vách mỏng bằng cellulose nhưng có những dải băng tẩm chất gỗ xếp đan chéo, bên trong có rất nhiều tinh thể calci oxalat hình lăng trụ; đôi khi những dải băng này không còn.
Đặc điểm bột dược liệu:
Bột thân lá màu xanh lục xám, mùi thơm nhẹ, vị ngọt, thành phần gồm: Mảnh biểu bì thân mang lông che chở, lông tiết. Lông che chở có thể nguyên nhưng thường gãy thành từng đoạn, vách mỏng và nhẵn hay vách dày lấm tấm. Lông tiết có 2 dạng: lông đầu tròn (ít gặp) và lông có 1 chân ngắn, phía trên phình to và sau đó thuôn dài, dạng này thường gặp và thường bị gãy phần thuôn dài ở đầu. Mảnh biểu bì trên của lá. Mảnh biểu bì dưới của lá mang lỗ khí kiểu song bào; tế bào có vách dày, ngoằn ngoèo. Mảnh biểu bì đài hoa mang lông che chở và lông tiết. Mảnh biểu bì cánh hoa. Mảnh mô dày. Mảnh mô mềm. Mảnh phiến lá với mô giậu. Mảnh bao phấn. Sợi có vách dày, khoang hẹp, riêng lẻ hay kết thành từng đám có kèm tinh thể calci oxalat hình lăng trụ. Mảnh mạch nhiều loại: mạch vòng, mạch xoắn, mạch vạch, mạch mạng, mạch điểm.Tế bào mô mềm đặc biệt: vách mỏng có những dải băng tẩm chất gỗ xếp đan chéo, bên trong có rất nhiều tinh thể calci oxalat hình lăng trụ. Hạt phấn hoa gần tròn hay hơi tam giác, có thể có 3 lỗ nẩy mầm. Tinh thể calci oxalat hình lăng trụ. Khối nhựa màu nâu vàng.
Phân bố, sinh học và sinh thái:
Phổ biến ở Sri Lanka, Ấn Độ, Mianma, Thái Lan, Trung Quốc, Campuchia, Lào, Việt Nam,... Ở nước ta có từ Lào Cai, Phú Thọ, Hòa Bình, Hà Nội, Hải Hưng, Quảng Ninh, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên-Huế vào Kontum, Gia Lai, Đắc Lắc, Lâm Đồng, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Tây Ninh, Cần Thơ. Thường Gặp trong các bãi cỏ và các ruộng bỏ hoang trên đất có cát, ở vùng thấp và vùng trung du. Mùa hoa tháng 6-9, mùa quả tháng 9-10.
Bộ phận dùng:
Toàn cây (Herba Desmodii styracifolii) có tên là Quảng kim tiền thảo.
Thành phần hóa học:
Toàn cây có mùi mạnh của coumarin, ngoài ra còn có flavonoid.
Tác dụng dược lý - Công dụng:
Tác dụng thanh nhiệt, tán thấp, lợi niệu, thông lâm. Thường dùng để chữa sỏi niệu đạo, sỏi bàng quang, sỏi túi mật, nhiễm khuẩn đường tiết niệu, viêm thận phù thũng, viêm gan vàng da.
Bài thuốc có kim tiền thảo
1. Chữa đái ra dưỡng trấp (bạch trọc): Kim tiền thảo, mía dò, lá tre, mỗi vị 20g; giá đỗ xanh, tỳ giải, mỗi vị 16g, ý dĩ 12g, hoạt thạch 10g. Sắc uống ngày 1 thang.
2. Chữa viêm thận, phù, viêm gan, viêm túi mật: Kim tiền thảo 40g; mộc thông, ngưu tất, mỗi vị 20g; dành dành, chút chít, mỗi vị 10g. Sắc uống ngày 1 thang.
3. Chữa sỏi đường tiết niệu: Kim tiền thảo 40g; mã đề, tỳ giải, mỗi vị 20g; trạch tả, uất kim, ngưu tất, mỗi vị 12g, kê nội kim 8g. Sắc uống ngày 1 thang.
4. Chữa sỏi niệu gây sung huyết, chảy máu: Kim tiền thảo 40g, mã đề 20g, ý dĩ 16g, ngưu tất 12g; đào nhân, uất kim, chỉ xác, đại phúc bì, kê nội kim, mỗi vị 8g. Sắc uống ngày 1 thang.
5. Chữa sỏi niệu kèm theo bội nhiễm đường tiết niệu:
a. Kim tiền thảo 40g; mã đề, tỳ giải, mỗi vị 20g; trạch tả, uất kim, ngưu tất, mỗi vị 12g, kê nội kim 8g. Sắc uống ngày 1 thang.
b. Kim tiền thảo 40g, mã đề 20g; sinh địa, đạm trúc diệp (cỏ lá tre), mỗi vị 16g; mộc thông, kê nội kim, cam thảo (sao cháy), mỗi vị 8g. Sắc uống ngày 1 thang.
Nếu đái ra máu, thêm cỏ nhọ nồi 16g, tiểu kế 12g. Nếu đau nhiều, thêm: ô dược, uất kim, diên hồ sách, mỗi vị 8g.
6. Những bài thuốc làm tan sỏi để chữa sỏi đường tiết niệu không có cơn đau, không đái buốt, đái dắt, đái ra máu:
a. Kim tiền thảo 20g; đảng sâm, mã đề, mỗi vị 16g; trạch tả, ý dĩ, mỗi vị 12g; bạch truật, phục linh, ba kích, kê nội kim, thỏ ty tử, mỗi vị 8g. Sắc uống ngày 1 thang.
b. Kim tiền thảo 40g, ngải cứu 16g, kê nội kim 8g. Sắc uống ngày 1 thang.
c. Kim tiền thảo, hạt mã đề, bạch mao căn, mỗi vị 20g, ý dĩ 12g. Sắc uống ngày 1 thang.
- Nếu sau khi dùng thuốc như trên không đỡ hoặc sỏi niệu quản gây ứ nước, ứ mủ ở thận mà phải xử trí bằng phương pháp phẫu thuật lấy sỏi thì sau khi phẫu thuật xong có thể tiếp tục dùng các bài thuốc trên để tránh sỏi niệu tái phát.
7. Chữa sỏi đường mật:
a. Kim tiền thảo 30g, chỉ xác (sao) 15g; xuyên luyện tử, hoàng tinh, sinh địa hoàng, mỗi vị 10g. Sắc uống ngày 1 thang.
b. Kim tiền thảo, rau má tươi, cỏ xước, mỗi vị 20g; hoạt thạch, vảy tê tê, củ gấu, mỗi vị 12g; nghệ vàng, hải tảo, mỗi vị 8g, kê nội kim 6g. Sắc uống ngày 1 thang.
8. Chữa viêm và sỏi túi mật và đường dẫn mật: Kim tiền thảo, nhân trần, mỗi vị 40g; sài hồ, mã đề, mỗi vị 16g, chi tử 12g; chỉ xác, uất kim, mỗi vị 8g, khổ luyện tử 6g, đại hoàng 4g. Sắc uống ngày 1 thang.
GS. Đoàn Thị Nhu
Nguyên Viện trưởng Viện Dược liệu
Những lưu ý khi sử dụng cây kim tiền thảo
- Trước khi sử dụng cần rửa sạch lá và đun sôi khoảng 15 – 20 phút.
- Nên uống kim tiền thảo trong ngày, không nên để qua đêm.
- Không sử dụng cho những người bị tì hư, tiêu chảy hoặc có cơ địa dị ứng.
- Cần xác định chính xác bệnh trước khi sử dụng đặc biệt là bệnh sỏi thận vì kim tiền thảo không có tác dụng với sỏi có cấu trúc oxalat canxi mà hiệu quả rõ với sỏi có cấu trúc urat.
- Để lợi tiểu, nên kết hợp kim tiền thảo với một số loại thảo dược như râu mèo, râu ngô… để tăng tiến độ đào thải axít uric ra bằng đường nước tiểu.
⭐️Nhấp vào liên kết https://temu.to/k/uqlwz2gku6j để nhận gói giảm giá $ ₫1.500.000 hoặc ⭐️Tìm kiếm ach735692 trên ứng dụng Temu để nhận chiết khấu $ 30%!! |
Facebook Conversations