views
1. Dó đất - Balanophora fungosa J.R et G. Forst. subsp. indica (Arn.) B. Hansen (B. pierrei V. Tiegh., B. gracilis V. Tiegh)
Cây Dó Đất - Balanophora Fungosa
Tên khác: Dó đất, Xà cô
Tên khoa học: Balanophora Fungosa J.R et G. Forst. subsp. indica (Arn.) B. Hansen (B. pierrei V. Tiegh., B. gracilis V. Tiegh)
Mô tả: Cây sống ký sinh ở trên rễ cây khác; thân thoái hoá thành một củ có nhiều dạng khác nhau, thường gồm nhiều thuỳ. Hoa đơn tính khác gốc. Cụm hoa đực dài, trục hoa ở gốc có một ít lá; bao hoa 4-7 thuỳ; nhị có 4-7 bao phấn. Cụm hoa cái ngắn, hoa không có bao hoa và chỉ là những khối hình trứng có chân và kéo dài bằng một sợi mảnh.
Ra hoa quanh năm, nhiều nhất vào tháng 11-2.
2. Thông tin mô tả Dược Liệu
Bộ phận dùng: Toàn cây - Herba Balanophorae.
Nơi sống và thu hái: Loài đặc hữu của Việt Nam, mọc trong các rừng thường xanh từ (150-) 500-2600m. Nó ký sinh trên rễ của nhiều loài cây thân gỗ, kể cả cây gỗ và dây leo, như các loài Cissus, Tetrastigma trong họ Nho và nhiều loài cây họ Đậu.
Công dụng, chỉ định và phối hợp: Đồng bào dân tộc thường dùng cây sắc nước uống làm thuốc trị bệnh đau bụng và đau toàn thân. Có người dùng nó như vị Toả dương làm thuốc ngâm rượu uống bổ tinh, cường tráng, mạnh gân cốt.
4. Bài viết về các loại cây Dó Đất của TSKH. Trần Công Khánh
Trong rừng nguyên sinh ở nước ta, cạnh các gốc cây to đôi khi thấy có những “chồi cây” màu nâu đỏ mọc thò lên mặt đất, trông như một cái nấm có hình thù đặc biệt. Đó là cụm hoa của một số loài Dó đất (còn có tên Xà cô, Dương đài, Tỏa dương, cây Cu chó), thuộc họ Dó đất (Balanophoraceae).
Dó đất là thực vật có hoa đặc biệt, sống ký sinh trên rễ của nhiều loài cây gỗ lớn trong rừng ẩm, không có diệp lục, thân thoái hóa thành một “củ” nhỏ có kích thước và hình dạng khác nhau, thường gồm nhiều thùy, sần sùi, màu nâu sẫm, không có lá hay chỉ có lá vẩy, đến khi sinh sản thì cụm hoa của nó mới lộ ra trên mặt đất. Cụm hoa là một bông nạc, trông như dương vật của chó nên mới có tên là cây “Cu chó”. Tùy từng loài, cây Dó đất hoặc có hoa đơn tính cùng gốc, hoặc khác gốc. Cụm hoa đực thường dài 10 - 15 cm, gốc trục cụm hoa có một ít lá vẩy; bao hoa có 4 - 7 thùy; nhị có bao phấn hình móng ngựa. Cụm hoa cái ngắn hơn, hình thoi hay hình trứng, dài 5 - 7 cm, mang rất nhiều hoa cực nhỏ, không có bao hoa. Thụ phấn nhờ côn trùng. Mùa hoa thường vào tháng 10 đến tháng 2.
Chi Dó đất ở Việt Nam có 7 loài, trong đó có các loài thường gặp và được dùng làm thuốc như:
* Balanophora fungosa J.R. Forst. et G. Forst. (Dó đất đồng châu). Cụm hoa đực và cái riêng biệt. Hoa cái rất nhiều, không có bao hoa. Loài này thường ký sinh trên rễ của nhiều cây họ Đậu (Fabaceae), có ở Ninh Bình (Cúc Phương), Quảng Nam, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Lâm Đồng, và các tỉnh ở Tây Nguyên. Ngoài ra, nó còn có ở Lào, Campuchia và các nước khác ở châu Á.
Thành phần hóa học: có các hợp chất triterpen, steroid, lignan, phenylpropanoid, phenylpropanoid glucosid, galloyl và bischoroman.
* Balanophora laxiflora Hemsl. (Dó đất hoa thưa). Cụm hoa đực dài đến 20 cm, cụm hoa cái dài 5 - 10 cm, đứng riêng biệt.
Loài này ký sinh trên rễ các cây gỗ lớn trong rừng ở các tỉnh Lào Cai (Hoàng Liên Sơn), Ninh Bình (Cúc Phương), Kom Tum (Ngọc Guga, Ngọc Pan). Nó còn có ở Lào (Sầm Nưa), Thái Lan và Trung Quốc (Đài Loan). Thành phần hóa học có các hợp chất phenolic như 3 - phenylpropanoid, lignan, tanin thủy phân được, axit galic và hai phenolic glycosid mới là balaxiflorin A và B. Các nhà khoa học đã chứng minh nó có tác dụng chống oxy hóa. Kinh nghiệm dân gian ở Vân Nam (Trung Quốc) dùng làm thuốc bổ, chống say rượu.
Loài này bị đe dọa tuyệt chủng nên đã được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam (1996 và 2007), phân hạng EN B1+2b,c,e.
* Balanophora latisepala (V. Tiegh.) Lecomte (Xà cô, Cu chó). Cụm hoa đực dài 7 - 8 cm, cụm hoa cái ngắn, đầu tròn, đứng riêng biệt. Có ở các tỉnh Thanh Hóa, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bà Rịa, Châu Đốc, Côn Đảo, và các nước ở châu Á như Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Indonesia.
* Balanophora cucphuongensis Ban (Dó đất Cúc Phương). Cụm hoa đực và cái riêng biệt, cao 8 - 15 cm, gốc cuống cụm hoa có 6 - 10 lá vẩy hình mũi mác. Đây là loài mới ở Việt Nam, phát hiện ở Vườn quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình), nhưng bị đe dọa tuyệt chủng, đã được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam (1996 và 2007), phân hạng EN D1.
* Balanophora polyandra Griff. Loài này cũng chứa các hợp chất phenolic, các tannin thủy phân được như balapolyphorin A và B, có tác dụng khử các gốc tự do.
Nhiều loài trong chi Dó đất đã được các nhà khoa học nước ngoài nghiên cứu và sử dụng làm thuốc. Nó được chế biến dưới dạng bánh ăn để chữa bệnh trĩ nội và trĩ ngoại (Trung Quốc), hoặc làm thuốc kí.ch d.ục (Malaysia). Đây là một cây thuốc dân gian ở Việt Nam. Người dân tộc miền núi thường dùng cụm hoa làm thuốc bổ, mạnh gân cốt, giúp cơ thể cường tráng, chữa đau bụng, nhức mỏi chân tay và làm thuốc bổ tinh. Dùng dưới dạng thuốc sắc hoặc ngâm rượu, thái mỏng, sao qua rồi ngâm rượu (tỷ lệ 1:5). Rượu có màu đỏ sẫm, vị hơi đắng chát. Ngày uống 2 lần trước bữa ăn, mỗi lần 30ml. Ở miền núi Ninh Thuận người ta cũng dùng cụm hoa Cu chó sắc nước uống để chữa đau bụng và nấc cụt.
Các loài Dó đất là nguồn gen hiếm và độc đáo, hai trong số bảy loài ở nước ta được xếp vào tình trạng nguy cấp, có thể bị tuyệt chủng, nên đã được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam. Hiện nay, tuy chưa thể trồng Dó đất nhưng chúng ta có thể bảo vệ chúng. Khi phát hiện thấy các cụm hoa cây này, nếu không cần thu hái để làm thuốc thì cũng không nên chặt phá, làm hỏng các cụm hoa đó.
Đến nay, tuy rừng nguyên sinh ở Việt Nam đã bị thu hẹp đáng kể, nhưng người ta vẫn còn gặp cây Dó đất. Dựa vào kinh nghiệm dân gian, các nhà khoa học nên chú ý nghiên cứu toàn diện cây này để tìm ra các loại thuốc mới trong khi chúng chưa bị tuyệt chủng.
⭐️Nhấp vào liên kết https://temu.to/k/uqlwz2gku6j để nhận gói giảm giá $ ₫1.500.000 hoặc ⭐️Tìm kiếm ach735692 trên ứng dụng Temu để nhận chiết khấu $ 30%!! |
Facebook Conversations