menu
Cô gái bỏ việc nhà nước để gây dựng thương hiệu dược liệu Cự Nẫm
Cô gái bỏ việc nhà nước để gây dựng thương hiệu dược liệu Cự Nẫm
Dịch vụ lập dự án của chúng tôi cung cấp giải pháp toàn diện cho mọi nhu cầu từ dự án dược liệu đến nông nghiệp. Với kinh nghiệm sâu rộng, chúng tôi đảm bảo lập ra các dự án hiệu quả, bền vững, hỗ trợ từ khâu nghiên cứu, phân tích đến thực thi. Liên hệ ngay để biến ý tưởng thành hiện thực!
Chị Nguyễn Thị Giang, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất cây dược liệu sạch và kinh doanh nông nghiệp xã Cự Nẫm (HTX dược liệu Cự Nẫm), ở xã Cự Nẫm, huyện Bố Trạch, Quảng Bình cho hay: “Đến nay, chúng tôi đã sản xuất và đưa ra thị trường 8 loại sản phẩm khác nhau.

Các sản phẩm đều tập trung vào nhóm nâng cao sức khỏe cho con người và được khách hàng ưa chuộng. Trong đó có sản phẩm chúng tôi đã đưa ra thị trường nước ngoài”.

Với ước mơ phát triển cây dược liệu trên vùng gò đồi nên chị Giang đã bỏ công việc nhà nước ổn định để về quê khởi nghiệp từ đầu.

Bắt đầu từ năm 2015, vợ chồng chị Giang thực hiện trồng và phát triển diện tích cây dược liệu cà gai leo. Chị Giang cho hay, thời gian quay vòng vốn của cây dược liệu ngắn, ít sâu hại, lại hạn chế được sự tác động của thiên tai nên hiệu quả kinh tế cao hơn so với cây trồng khác.

Để sản xuất bền vững và hiệu quả, chị Giang luôn đặt chất lượng sản phẩm lên hàng đầu nhằm bảo đảm thương hiệu và uy tín của sản phẩm. Toàn bộ diện tích trồng cây cà gai leo của nhà vườn đều được áp dụng quy trình trồng và chăm sóc cây nguyên liệu sạch, chỉ sử dụng các sản phẩm sinh học, như bánh dầu lạc (xác lạc đã ép kiệt dầu) và phân chuồng ủ hoai mục để bón cho cây trồng.

Đặc biệt, nhà vườn tuyệt đối không dùng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật, do đó, cây cà gai leo bảo đảm sạch hoàn toàn.

“Cây cà gai leo được trồng và chăm sóc đủ 6 tháng mới thu hoạch để có nhiều dược tính và chất lượng cao nhất. Vì là cây dược liệu nên chúng tôi rất chú trọng đến việc sản xuất an toàn”- chị Giang chia sẻ.

Trong 3 năm đầu, nhà vườn chỉ trồng và bán nguyên liệu thô (được phơi khô) với giá từ 70.000-100.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí sản xuất, mỗi năm gia đình có lãi trên 100 triệu đồng.

Chị Giang nhớ lại: “Lúc đó, dù chỉ là khoản tiền không lớn, nhưng nhờ phát triển cây dược liệu mà kinh tế gia đình được cải thiện lên. Điều quan trọng là ươm được hy vọng phát triển cây dược liệu trên vùng gò đồi cho gia đình và bà con có thu nhập cao, ổn định”.

Gần cuối năm 2018, chị Giang bàn bạc với chồng là anh Nguyễn Thanh Bình, thành lập HTX dược liệu Cự Nẫm với 8 thành viên tham gia.

Trong đó, 7 thành viên là hộ dân trên địa bàn xã chủ yếu trồng và cung cấp nguyên liệu cây cà gai leo (với tổng diện tích khoảng 6ha trồng theo kiểu gối đầu vụ) để sản xuất thành phẩm cao cà gai leo.

Anh Bình cho biết: “Toàn bộ cây giống và quy trình trồng, chăm sóc cây cà gai leo đều được tôi chủ động giám sát để bảo đảm chất lượng nguyên liệu sạch theo yêu cầu”.

Để từng bước nâng cao chất lượng thành phẩm, HTX dược liệu Cự Nẫm đã đặt mua dây chuyền nấu cao theo quy trình sản xuất ngành dược. Tiếp theo, HTX đầu tư dây chuyền đóng gói hiện đại và kiểm tra chất lượng sản phẩm, đồng thời đăng ký công bố chất lượng sản phẩm dược liệu chất lượng cao.

Khi chúng tôi đến thăm, HTX dược liệu Cự Nẫm đang bắt đầu vụ thu hoạch lứa cà gai mới. Trước đó, chị Giang cũng đã ra tận vườn kiểm tra chất lượng cây dược liệu trước khi thu hoạch.

Chị Giang  cho biết, hiện HTX dược liệu Cự Nẫm đã có các sản phẩm như: cao cà gai leo, cao thìa canh, tinh nghệ mật ong...

“Qua 4 năm xây dựng và phát triển, HTX dược liệu Cự Nẫm đã mở rộng diện tích, liên kết với nhiều hộ dân trồng cây dược liệu trên địa bàn xã và các xã lân cận với diện tích khoảng 15 ha. Trong đó, chủ yếu là diện tích cây cà gai leo, thìa canh, chè vằng, xuyên tâm liên…”- chị Giang nói.

Cũng theo chị Giang, hiện mỗi năm, HTX dược liệu Cự Nẫm cung ứng ra thị trường từ 10-13 tấn sản phẩm các loại. Các sản phẩm chủ yếu hỗ trợ trị tiểu đường, mát gan, thanh lọc cơ thể, bồi bổ sức khỏe, tăng cường sinh lực…

Qua đó, giải quyết việc làm thường xuyên cho 35 lao động thường xuyên và thời vụ với mức thu nhập khoảng 5 triệu đồng/người/tháng. “Doanh thu của chúng tôi hàng năm khoảng 5 tỷ đồng và có lợi nhuận khoảng 500 triệu đồng”- chị Giang bộc bạch.

Cao cà gai leo do HTX dược liệu Cự Nẫm sản xuất là sản phẩm OCOP được thị trường ưa chuộng, người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng, mẫu mã. Cứ 3 ngày, HTX nấu được một mẻ cao cà gai leo khoảng 5kg, xuất thành phẩm được 50 hộp (loại 100g/hộp).

 “Tất cả các sản phẩm của HTX đều được dán nhãn QR-code truy xuất được nguồn gốc sản phẩm nhằm tạo niềm tin cho người tiêu dùng”- chị Giang nói thêm.

Cuối năm ngoái, chị Giang thực hiện liên kết với Công ty Oxalis và một số khách sạn, như Sơn Đoòng Bungalow, Phương Nam ở Phong Nha… để giới thiệu sản phẩm, được khách du lịch trong và ngoài nước đánh giá cao và giới thiệu nhau tìm mua.

Theo vietnamnet

What's your reaction?

Facebook Conversations