menu
Cây dược liệu cây Rẻ quạt, Xạ can - Belamcanda chinensis
Cây dược liệu cây Rẻ quạt, Xạ can - Belamcanda chinensis
Dịch vụ tư vấn lập dự án như Dự án trồng dược liệu quý đến các nông nghiệp, xây dựng, du lịch... Với kinh nghiệm sâu rộng, chúng tôi đảm bảo lập ra các dự án hiệu quả, bền vững, hỗ trợ từ khâu nghiên cứu, phân tích đến thực thi. Liên hệ ngay để biến ý tưởng thành hiện thực!
Theo Đông y có vị đắng, tính hàn, thanh nhiệt giải độc, tán kết tiêu viêm, chỉ khái hóa đàm. Thân rễ và lá đều nhuận tràng lợi tiêu hóa. Vì vậy thường dùng rẻ quạt để trị viêm họng sưng đau, ho nhiều đờm rãi, kết đàm hạch; trong tai đau nhức, sưng amidan, sưng vú, tắc sữa; đại tiện không thông; đau bụng khi thấy kinh. Dùng ngoài trị vết thương trẹo chân, rắn cắn, đắp vết thương và trị đau răng.

1. Hình ảnh mô tả cây Rẻ quạt - Belamcanda chinensis

Hình ảnh mô tả cây Rẻ quạt - Belamcanda chinensis Rẻ quạt; Xạ can; lưỡi đòng

Tên Khoa học: Belamcanda chinensis (L.) DC.
Tên tiếng Việt: Rẻ quạt; Xạ can; lưỡi đòng
Tên khác: Ixia chinensis L.;

Mô tả: Cây thảo sống dai. Thân rễ mọc bò. Thân nhỏ mang lá mọc thẳng đứng, dài tới 1m. Lá hình ngọn giáo dài, nơi có bẹ, mọc xen kẽ thành 2 vòng (lá xếp 2 dãy); gân lá song song. Cụm hoa có cuống dài 20-40cm. Hoa có cuống, bao hoa có 6 mảnh màu vàng da cam có đốm tía. Quả nang hình trứng, chứa nhiều hạt nhỏ hình cầu, màu xanh đen, bóng. 

2. Thông tin Dược Liệu

Bộ phận dùng:  Thân rễ - Rhizoma Belamcandae Chinensis. thường gọi là Xạ can, Thân và lá cũng được dùng.

Nơi sống và thu hái: Loài phân bố ở Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam. Philippin. Ở nước ta, cây mọc hoang và được trồng ở nhiều nơi làm cây cảnh và làm thuốc. Trồng bằng nhánh của thân rễ vào đầu mùa mưa. Thu hái thân rễ vào mùa thu hay quanh năm. Thân rễ có đốt ngắn màu vàng nhạt hoặc vàng nâu, ruột trắng thơm, cứng. Có thể dùng tươi (rửa sạch, giã với ít muối) hoặc rửa sạch phơi khô hay sấy khô, khi dùng ngâm nước vo gạo 1-2 ngày cho mềm, thái mỏng, phơi khô, dùng dần.

Thành phần hoá học: Trong thân rễ có glucosid và belamcandin, shekanin, tectoridin, iridin và irisflorentin.

Tính vị, tác dụng: Vị đắng, tính hàn; có tác dụng thanh nhiệt giải độc, tán kết tiêu viêm, chỉ khái hóa đàm. Thân rễ và lá đều nhuận tràng, lợi tiêu hóa.

Công dụng, chỉ định và phối hợp: Thường dùng trị: 1. Viêm họng sưng đau, ho nhiều đờm rãi, kết đàm hạch; 2. Sang độc sưng đau; trong tai đau nhức, sưng amygdal, sưng vú, tắc tia sữa; 3. Ðại tiện không thông; 4. Ðau bụng khi thấy kinh. Dùng ngoài trị vết thương trẹo chân, rắn cắn, đắp vết thương và trị đau răng.

Ở Thái Lan, người ta dùng lá trị rối loạn kinh nguyệt. Liều dùng 5-10g, dạng thuốc sắc hoặc bột, làm viên ngậm uống. Dùng ngoài, giã thân rễ tươi với ít muối, vắt lấy nước ngậm nuốt dần, bã đắp tại chỗ đau.

Ðể chữa ho, viêm họng, có thể phối hợp với rễ Mạch môn, Húng chanh, hoa Ðu đủ đực, đem giã nhỏ, hấp cơm, hoặc với rễ Cam thảo đất, rễ Đậu săng, giã ngậm.

Ghi chú: Phụ nữ có thai không dùng.

3. Một số cách chữa bệnh từ cây rẻ quạt: theo Lương y Ngô Viết Tài

Chữa đau họng: Lấy lá cây rẻ quạt, rửa sạch, thêm một ít muối, rồi nhai nuốt nước.

Chữa ho hen, tiêu độc sát trùng: Lấy cả cây rẻ quạt, rửa sạch, băm nhỏ, phơi khô; sắc uống hàng ngày.

Chữa tắc tia sữa và rắn cắn: Lấy lá rửa sạch, giã nát, lấy nước uống; bã đắp vào tia sữa tắc hoặc vết rắn cắn.

4. 6 bài thuốc chữa táo bón

6 bài thuốc chữa táo bón Táo bón là bệnh rất thường gặp vào mùa đông do thời tiết khô. Một số bài thuốc dưới đây giúp nhuận tràng, thông tiện, chữa táo bón.

Táo bón là bệnh rất thường gặp vào mùa đông do thời tiết khô. Một số bài thuốc dưới đây giúp nhuận tràng, thông tiện, chữa táo bón.

Đông y gọi táo bón là tiện bí. Nguyên nhân là do âm hư, huyết nhiệt, thiếu máu làm tân dịch giảm. Người cao tuổi, phụ nữ sau khi sinh, cơ nhục suy yếu, trương lực cơ giảm gây khí trệ làm bài tiết phân khó. Người thể chất dương hư, khí vận hành không thông suốt nên tân dịch không lưu thông. Người mắc bệnh kiết lỵ mạn tính làm tỳ vị kém vận hóa. Người do lo nghĩ nhiều hại phế gây táo bón.

Bài thuốc nam chữa bệnh táo bón

  • Trị táo bón do lo lắng buồn rầu làm hại phế khí, hoặc ăn nhiều thức ăn cay nóng:  Trần bì (bỏ xơ trắng) 10g, tía tô (lấy cành lá non) 10g, chỉ xác (bỏ ruột sao qua) 10g, mộc thông (bỏ mắt) 10g. Các vị thuốc sắc với 600ml nước, còn 250 ml, uống trong ngày.  Cháo thuốc: Hạt tía tô, hạt vừng đen lượng bằng nhau, giã nhỏ cho vào nước, lọc bỏ bã, cho gạo đã đãi sạch nấu cháo ăn.
  • Trị táo bón, đầy bụng, khó tiêu: Nghệ vàng sao khô, tán nhỏ cùng mủ cây vú bò giã nhỏ làm viên bằng hạt đậu xanh. Mỗi lần uống 3 viên.
  • Trị đại tiện táo kết lâu ngày: Củ rẻ quạt giã sống 12g hòa với 1.200ml nước lọc  bỏ bã, chia uống trong ngày.
  • Táo bón đại tiện không thông: Đương quy 10g, bạch chỉ 10g, tán nhỏ uống với nước cơm. Cháo thuốc: Vừng đen nấu cháo với gạo trắng, gia vị vừa đủ, ngày 2 lần, ăn nóng.
  • Trị táo bón, đại tiện khó ở người cao tuổi: Hoàng kỳ 20g, trần bì (bỏ xơ) 20g tán nhỏ, lấy vừng đen 1 vốc nghiền nát, đổ nước nấu sôi, thêm 1 thìa mật ong, đun lại cho sôi rồi hòa với nước trên, uống trước khi ăn.
  • Trị táo bón, đại tiện quặn đau, mót rặn: Đào nhân 12g, ngô thù du 8g, muối 4g, nấu chung đến chín thì bỏ hết, chỉ dùng đào nhân. Mỗi lần ăn 5-7 hột.

Hoặc dùng: Bồ kết (sao với cám) 100g, chỉ xác (sao) 100g, tán nhỏ, quết với cơm nát làm viên bằng hạt ngô. Mỗi lần uống 30 viên với nước cơm.

Người bị táo bón nên thay đổi chế độ ăn, tăng cường các thực phẩm giàu chất xơ như ngũ cốc, các loại rau xanh và trái cây tươi; uống nhiều nước; hạn chế thực phẩm nhiều chất béo và tăng cường hoạt động thể chất...

Đi đại tiện kịp thời, không nên nhịn lâu để đề phòng táo bón. Chú ý luyện thói quen đi đại tiện hàng ngày vào một giờ nhất định không gấp, không vội.

Người bị táo bón lâu ngày chữa không đỡ nên đi bệnh viện để tìm nguyên nhân gây bệnh, giúp điều trị đúng và kịp thời.

What's your reaction?

Facebook Conversations