views
Truyền thông Hàn Quốc đưa tin, ngày 1/12 mới đây, tòa án quận Suwon, tỉnh Gyeonggi, đã tiến hành phiên điều trần xét xử vụ án vô cùng nghiêm trọng liên quan tới mê tín dị đoan, lừa đảo, cưỡng chế chiếm đoạt tài sản ... với mức độ được miêu tả là "nặng hơn cả tội giết người".
Phiên điều trần do Phòng Hình sự Chi nhánh Yeoju của Tòa án quận Suwon (Chánh án Lee Hyun-bok) tổ chức hôm 1/12.
Theo tờ tin tức Seoul .co .kr, vụ án liên quan đến một cặp vợ chồng (51 tuổi) được cho là làm nghề thầy bói (pháp sư). Cặp vợ chồng này bị đề nghị mức án 30 năm tù giam cho mỗi người sau hàng loạt tội ác gây ra cho gia đình một người phụ nữ. Các tội danh bao gồm xúi giục và tiếp tay bạo lực gia đình, vi phạm pháp luật về tội phạm bạo lực tình dục (cưỡng chế, bao gồm cả việc sử dụng phim quay phim), tống tiền, giam cầm...
Đây được xem là một trong những hình thức gaslighting (thao túng tâm lý để điều khiển người khác). Gaslighting hay gas-lighting là một hình thức lạm dụng tâm lý hoặc cảm xúc, trong đó kẻ lạm dụng sử dụng thông tin bị bóp méo, thiếu sự thật khiến nạn nhân ban đầu lo lắng, bối rối rồi dẫn đến nghi ngờ suy nghĩ, giá trị, trí nhớ, óc phán đoán của mình và mất dần đi cảm nhận về thực tế.
Chuyện bắt đầu từ năm 2004, khi chồng của nạn nhân (tạm gọi là bà B) qua đời. Người phụ nữ (hiện 50 tuổi) tìm đến cặp vợ chồng pháp sư và dần dần bị họ thao túng tâm lý từ lúc nào không hay. Cặp vợ chồng này tự nhận mình pháp sư mở một nơi chuyên bói toán ở quận Sangnok-gu, thành phố Ansan, tỉnh Gyeonggi, Hàn Quốc.
Từ đó, cả bà B và 3 người con bắt đầu xoáy vào "địa ngục" do chính cặp vợ chồng pháp sư kia bày ra.
Theo hồ sơ của tòa án, cặp vợ chồng pháp sư đã lắp đặt 13 camera quan sát trong nhà của bà B và cài ứng dụng theo dõi vị trí trên điện thoại di động của từng thành viên trong gia đình bà để theo dõi và đưa ra mệnh lệnh buộc họ phải tuân theo.
Làm theo chỉ dẫn của cặp đôi pháp sư, bà B từng có 4 lần nung nóng chiếc thìa kim loại trên bếp và ấn vào người con mình. Chưa hết, cặp vợ chồng này bắt các thành viên trong gia đình phải hành hung lẫn nhau nếu không tuân theo chỉ dẫn của họ.
Cặp đôi còn bị cáo buộc giam cầm cả gia đình, ép buộc họ đánh nhau, và có những hành vi không đúng luân thường đạo lý.
Ngoài ra, cặp vợ chồng pháp sư cũng bị cáo buộc quản lý tài khoản tiền lương và thẻ tín dụng của người con út trong gia đình và chiếm đoạt hơn 250 triệu won (tương đương 4,6 tỷ VNĐ) trong khoảng thời gian từ tháng 1 năm 2017 đến tháng 11 năm 2021.
Phía công tố cho biết vợ chồng pháp sư đã chèn ép, khiến gia đình bà B rơi vào tình trạng túng quẫn, trở nên kiệt quệ về kinh tế. Họ phải vay mượn hàng chục triệu won dưới danh nghĩa để chi trả chi phí sinh hoạt. Càng ngày cặp đôi pháp sư càng khiến gia đình bà B phải phụ thuộc vào họ nhiều hơn.
Chuyện chỉ bị bại lộ khi người con cả trong gia đình không thể chịu đựng được nữa. Tháng 4/2023, người đàn ông chạy sang nhà hàng xóm với cơ thể dính máu. Người này cầu cứu sự giúp đỡ và kể lại tình hình gia đình mình.
Khi cảnh sát đến điều tra, cặp vợ chồng pháp sư vẫn cãi bay cãi biến, khẳng định đó là "chuyện xảy ra giữa các thành viên trong gia đình". Tuy nhiên, sau quá trình điều tra, tất cả sự thật tàn nhẫn đã bị phanh phui.
Phiên tòa tuyên án sẽ diễn ra vào ngày 21/12 tới đây.
Nguồn: Seoul.co.kr, Theo sohaGaslighting Là Gì? Cách Để Không Trở Thành Con Rối Trong “Vở Kịch Gaslight”
Gaslighting là gì? Nguồn gốc cụm từ này là từ đâu và làm thế nào để luôn vững vàng, không bị kiểm soát bởi những người có mục đích không tốt? Đọc bài viết dưới đây của Glints để tìm hiểu rõ hơn khái niệm này nhé!
Gaslight là gì và nguồn gốc của nó
Gaslighting là gì? Theo American Psychological Association, gaslight có nghĩa là thao túng tâm lý người khác, làm họ tự nghi hoặc nhận thức, trải nghiệm và chính bản thân họ.
Gốc gác của cụm từ này bắt nguồn từ vở kịch năm 1938 có tên “Gas Light” (tạm dịch: Thắp sáng đèn ga). Nội dung vở kịch là về một người đàn ông cố gắng điều khiển, thao túng để người vợ nghĩ rằng cô đang dần mất trí, để từ đó ông ta có thể dễ dàng ăn cắp trang sức, đá quý của cô.
Người đàn ông này sử dụng đèn ga và rón rén đi tìm báu vật được giấu trong nhà. Và khi người vợ nghe thấy tiếng bước chân và nhận ra đèn ga dần ít đi, ông ta cố gắng thuyết phục vợ rằng không có chuyện gì bất thường xảy ra và tất cả những chuyện đó là do người vợ tự tưởng tượng ra mà thôi.
Có thể nói, gaslighting xuất hiện ở rất nhiều bối cảnh, từ các mối quan hệ yêu đương, gia đình, bạn bè cho đến nơi học tập và làm việc.
Vậy tại sao người ta lại cố gaslight người khác?
Theo nghiên cứu đã chỉ ra, lý do đằng sau hành động gaslight là khi một người cảm thấy sự hiện diện, vị trí hay quyền lực của họ bị đe doạ; hoặc muốn điều khiển người khác để họ đạt được mục đích cá nhân.
Ngoài ra, Gaslighting cũng xảy ra khi ai đó muốn chứng tỏ rằng họ có giá trị hơn người khác, và tham vọng muốn khoe mẽ, chứng minh quyền lực một cách thiếu chính đáng. Nhìn chung, họ sẽ luôn cố gắng đặt họ ở thế đúng, còn người khác luôn là người sai.
Ai cũng có thể trở thành người cầm dây trong vở kịch thao túng tâm lý. Chẳng hạn, gaslighting nơi công sở có thể bắt nguồn từ đồng nghiệp, quản lý, hoặc đối thủ, thậm chí khách hàng của bạn. Họ muốn kiểm soát bạn, muốn hạ bệ, vượt mặt bạn, muốn bạn làm việc gì đó cho họ mà không cần nói thẳng ra.
Hiểu một cách ngắn gọn hơn thì, gaslight cũng chẳng khác nào “Miệng nam mô, bụng bồ dao găm”.
Theo một khảo sát, có đến 58% người chia sẻ rằng họ là nạn nhân của gaslighting nơi công sở. Trong bài viết này, Glints sẽ tập trung vào bối cảnh chỗ làm nhé.
Dấu hiệu gaslighting nơi công sở
1. Những lời nói, hành động thường thấy khi một người đang gaslight bạn
Hành động thao túng thể hiện trước nhất là qua lời nói. Mục đích của những người này là muốn bạn nghi ngờ bản thân, để sau đó bạn tự lạc lối trong suy nghĩ của mình, rồi dần dần nghe theo lời họ và đổi hướng sang tư duy khác. Một số dạng câu nói của các “chuyên gia gaslight” có thể bao gồm:
“Tớ nói như thế là vì tớ lo cho cậu thôi!”
“Anh/chị có nói thế bao giờ đâu. Em nhớ nhầm à?”
“Sao bạn nghĩ nhiều thế? Chuyện đó chẳng có gì to tát cả!”
2. Liên tục đổ lỗi
Một cách thao túng tâm lý khác là đổi lỗi cho người khác để rũ bỏ trách nhiệm.
Nếu trong bối cảnh gia đình, có những bậc phụ huynh quay ra đổ lỗi cho con cái để chứng tỏ họ đúng, thì khi đi làm, không ít bạn cũng đã gặp cảnh tai bay vạ gió trong khi lỗi sai không nằm ở mình.
3. Họ bẻ cong sự thật
Nói ngược lại với những gì đã xảy ra là “bài” hay gặp nhất trong loạt các hành động gaslighting. Bằng cách gạt phắt đi sự thật, người kia sẽ làm nạn nhân bị thao túng tự vấn rằng phải chăng họ mới là người có vấn đề.
Thái độ làm việc tích cực của bạn đôi lúc lại bị dán nhãn thành tiêu cực lúc nào không hay.
4. Làm bạn nghi ngờ giá trị bản thân
Khi bạn nhờ co-worker, sếp hay bất cứ ai giúp đỡ và chỉ dẫn bạn, nhưng lại nhận được những câu trả lời như “Sao cái gì em cũng hỏi thế?” hay “Có thế mà cũng không làm được?”.
Đây cũng là một cách gaslight vì bạn sẽ cảm thấy bạn phiền phức, yếu kém hoặc không có vai trò quan trọng trong tập thể.
5. Họ hay “quên”
Ngoài cách gạt phăng đi sự thật, một số người còn hay lấy lý do họ quên những gì đã xảy ra để bạn không có cơ sở chất vấn họ. Chẳng hạn như họ “quên” không thông báo cho bạn về cuộc họp team vừa rồi, hay họ “quên” bạn đã làm được việc gì trong dự án chung.
Hoặc là để chối bỏ trách nhiệm, hoặc là để hạ thấp giá trị và nỗ lực của bạn, những trường hợp này đã từng xảy ra không ít trong môi trường công sở.
6. Liên tục chỉ trích
Khi bạn liên tục nhận những ý kiến chỉ trích thay vì ý kiến xây dựng, rất có thể bạn cũng đang bị gaslighting. Và hậu quả của hành động gaslighting là gì trong trường hợp này?
Nếu người kia cố tình chỉ trích bạn ở chỗ đông người chứ không hề góp ý riêng, bạn chắc chắn sẽ bị tổn thương lòng tự trọng và thất vọng về bản thân. Bạn sẽ cảm thấy như cố gắng bao nhiêu cũng không đủ và tự nghi hoặc khả năng của mình.
7. Lấy sự quan tâm làm lý do biện hộ
Một số người hay gaslight thường sử dụng sự quan tâm hoặc yêu thương giả tạo để biện hộ cho hành động của mình. “Làm vậy/nói vậy vì lo cho bạn thôi” là cách họ tránh bị truy cứu khi bạn nhận ra hành động bất thường của họ.
8. Người khác liên tục bàn tán tiêu cực về bạn
Một dấu hiệu khác cho thấy bạn là nạn nhân của thao túng tâm lý là khi bạn nhận thấy người khác nói xấu bạn.
Nếu một đối tượng nào đó đã lấy bạn làm mục tiêu, họ có thể đơm đặt, ngầm lan truyền những chuyện không tốt về bạn. Bằng cách làm người khác quay lưng với bạn, họ sẽ làm bạn cảm thấy mình mới là người xấu, là kẻ lạc loài.
9. Bạn dần bị loại khỏi những dự án, quyết định quan trọng
Dần dần từ những lần “quên”, họ sẽ liên tục loại bạn khỏi những dự án hoặc quyết định quan trọng.
Khi bạn thấy vai trò của mình dần bị xem nhẹ và bạn không được tham gia các dự án này, thì có lẽ bạn đang nằm trong tầm ngắm gaslighting mất rồi.
Hậu quả của gaslight
Sự ảnh hưởng của gaslighting đến một người có thể được thể hiện qua hành động của người đó. Và thao túng tâm lý có thể làm tâm lý của bạn đi xuống như thế nào?
- Bạn dần ra quyết định chỉ để làm hài lòng người khác
- Bạn hay xin lỗi dù không phải lỗi của mình
- Thường xuyên tự hỏi rằng quyết định của mình có đúng hay không
- Hay xem xét lại lời nói và hành động của mình xem đã làm “đúng” hay chưa
- Dần mất đi hứng thú với những hoạt động trước đây bạn từng thích
- Bạn cảm thấy giá trị bản thân lung lay nếu không làm theo ý của người khác
- Làm việc gì cũng không thấy đủ tốt
- Bạn thấy có điều gì đó không ổn nhưng không giải thích nổi tại sao
- Tìm cách nói dối để tránh bị người kia lăng mạ
- Bạn thậm chí bênh vực, viện cớ, biện hộ cho người gaslight bạn
Làm thế nào để tránh trở thành con rối của gaslighting?
Gaslighting sẽ để lại những vết cắt sâu không tưởng trong tinh thần của mỗi người. Nên để tránh trở thành nạn nhân và không bị lún quá sâu vào tình trạng này, bạn hãy:
1. Làm ngơ động thái của người muốn thao túng bạn
Mục đích của họ là để hạ bệ và làm bạn nghi ngờ giá trị của bản thân.
Vì vậy, thay vì tìm ra nguyên do tại sao họ đối xử như vậy với bạn, bạn nên dành thời gian chăm sóc bản thân và bỏ qua những ảnh hưởng tiêu cực. Bởi với những người nông cạn và có ý đồ xấu, bạn càng cố gắng sẽ gần như càng vô ích.
2. Quản lý công việc tốt hơn
Ở nơi công sở, họ thường sẽ vin vào những lịch trình, công việc để bắt bẻ bạn. Nên khi làm việc gì cũng vậy, bạn nên giữ lại các tài nguyên, bằng chứng cho những việc bạn đã làm để họ không thể bẻ cong thực tế, chĩa mũi rìu về phía bạn.
3. Nhờ sự giúp đỡ của người khác
Một cách khác để phòng tránh gaslighting là tìm được người đứng về phía bạn. Nếu có đối tượng muốn theo túng bằng cách bới móc lỗi sai trong công việc của bạn, hãy nhờ người có cùng hoặc hơn trình độ đưa ra feedback giúp bạn.
Nếu có người muốn tách bạn khỏi các công việc quan trọng, hãy nhờ người bạn tin tưởng nhắc nhở bạn khi có sự kiện diễn ra mà bạn không được thông báo. Sau đó bạn hãy lấy chứng cứ này để đối diện với người định gaslight.
4. Lắng nghe, tin tưởng bản thân mình
Dù làm cách nào thì điều quan trọng nhất là bạn cần xây dựng lòng tin với chính bản thân mình. Khi bạn lắng nghe bản thân và xác định được mọi mục tiêu, cơ sở hành động của mình thì không ai có thể lung lay nhận thức của bạn.
5. Tìm cho mình điểm đỗ mới
Sự hiện diện của gaslighting là biểu hiện của môi trường làm việc độc hại. Nếu bạn cảm thấy môi trường này không còn phù hợp với mình nữa, cách tốt nhất là rời đi và tìm đến nơi mới lành mạnh, phù hợp với định hướng của bạn hơn.
Tạm kết
Ranh giới giữa ý kiến xây dựng và gaslighting thật sự rất mỏng manh. Bạn cần phân biệt được đâu là ý kiến được đưa ra trên cơ sở của sự chân thành và tôn trọng. Biết cách phòng tránh và xử lý tận gốc mầm mống của sự thao túng tâm lý thì sức khoẻ tinh thần và sự tự tin của bạn mới được bền vững.
Mong rằng bạn đã hiểu rõ hơn về gaslighting là gì và làm thế nào để nhận biết ngay từ các dấu hiệu đầu tiên. Theo glints
⭐️Nhấp vào liên kết https://temu.to/k/uqlwz2gku6j để nhận gói giảm giá $ ₫1.500.000 hoặc ⭐️Tìm kiếm ach735692 trên ứng dụng Temu để nhận chiết khấu $ 30%!! |
Facebook Conversations