menu
Tác dụng ít người biết của ráy tai
Tác dụng ít người biết của ráy tai
Dịch vụ tư vấn lập dự án như Dự án trồng dược liệu quý đến các nông nghiệp, xây dựng, du lịch... Với kinh nghiệm sâu rộng, chúng tôi đảm bảo lập ra các dự án hiệu quả, bền vững, hỗ trợ từ khâu nghiên cứu, phân tích đến thực thi. Liên hệ ngay để biến ý tưởng thành hiện thực!
Không chỉ đơn thuần là chất thải của cơ thể như nhiều người nghĩ, ráy tai được sinh ra với vai trò đối với sức khỏe.

Trong cuộc sống hàng ngày, ráy tai thường bị “đổ lỗi” là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng nghe không rõ ở một số người. Tình trạng này thúc đẩy mọi người đi “lấy ráy tai” và coi đây là một dạng chất thải của cơ thể. Tuy nhiên, ráy tai cũng có tác dụng của riêng mình và cần được vệ sinh đúng cách, tránh vô tình làm ảnh hưởng tới sức khỏe.

Vai trò ít người biết

Theo thạc sĩ, bác sĩ Bùi Quang Duy, khoa Tai - Mũi - Họng, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), ráy tai (cerumen hay ear wax) là một sản phẩm được tạo thành từ tế bào da chết, lông tai và các chất tiết ra từ tuyến bã nhờn của ống tai ngoài.

“Ráy tai có thể khô hay ướt, màu nâu, cam, đỏ, vàng hoặc xám”, vị chuyên gia thông tin.

Đáng chú ý, không chỉ đơn thuần là một dạng chất thải, ráy tai có tác dụng giúp bảo vệ da của ống tai ngoài, hỗ trợ làm sạch và bôi trơn, đồng thời chống lại vi khuẩn, nấm và nước.

Đây cũng là hàng rào có khả năng bảo vệ màng nhĩ khỏi những tổn thương do dị vật hay côn trùng nhỏ…

Tuy nhiên, trong những trường hợp quá nhiều ráy tai, chúng lại có thể dẫn đến các tình trạng như bít tắc ống tai, giảm sức nghe do cản trở dẫn truyền âm thanh, chèn ép da ống tai và màng nhĩ gây ngứa tai, ù tai, đau tai…

Sự thực về việc lấy ráy tai

Sự thực về việc lấy ráy tai

Liên quan việc chủ động vệ sinh và lấy ráy tai ra ngoài như một cách làm sạch, bác sĩ Duy khẳng định việc làm này khi thực hiện hàng ngày là không cần thiết, thậm chí có thể phản tác dụng và gây hại cho cơ thể.

Nguyên nhân là nếu tai quá sạch và không còn ráy tai, phần da ống tai sẽ không được bảo vệ trước các vi khuẩn, nấm, nước hay những dị vật, côn trùng vô tình bay vào.

Mặt khác, với nhóm trẻ nhỏ, nhiều phụ huynh có thói quen dùng tăm bông để lấy ráy tai cho con còn tiềm ẩn nguy cơ chấn thương ống tai ngoài màng nhĩ.

“Trong quá trình vệ sinh bằng tăm bông, trẻ có thể quay đầu bất ngờ, khiến tăm bông chọc vào ống tai, màng nhĩ với lực mạnh, từ đó gây trầy da ống tai, chảy máu, thậm chí thủng màng nhĩ dẫn đến viêm tai ngoài, viêm tai giữa, giảm sức nghe…”, vị chuyên gia giải thích.

Cũng theo BS Duy, chúng ta chỉ nên lấy ráy tai trong các trường hợp: Ráy tai quá nhiều làm tắc ống tai (nút ráy tai) dẫn đến ù tai, đau tai, nghe kém…; ngứa tai; viêm tai ngoài; người đeo máy trợ thính.

Ông nói thêm một số trường hợp ngoại lệ cần làm sạch ống tai là các bệnh nhân cần khám tai, qua đó giúp các bác sĩ chẩn đoán bệnh lý về tai mũi họng; trẻ sinh non cần tầm soát thính lực; nghe kém…

Trong những trường hợp nói trên, việc lấy ráy tai cũng phải được thực hiện rất cẩn thận để đảm bảo an toàn.

Cụ thể, nếu thực hiện tại nhà, BS Duy khuyến cáo người dân nên sử dụng các sản phẩm làm mềm ráy tai dạng chai xịt hoặc nhỏ giọt, thực hiện 2-3 lần/ngày trong vòng 2 tuần.

“Qua cách làm này, nút ráy tai sẽ được làm mềm và đẩy ra ngoài do cơ chế tự làm sạch của ống tai”, vị chuyên gia giải thích.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp lượng ráy tai quá nhiều, cơ thể không thể tự đẩy ra hết, người dân cần tới các phòng khám Tai Mũi Họng để được hút sạch ra ngoài.

Mặt khác, nếu lựa chọn tới các phòng khám để làm sạch ráy tai, các bác sĩ chuyên khoa có kinh nghiệm sẽ lấy ráy tai ra ngoài một cách an toàn thông qua phương pháp gắp hoặc hút sạch bằng dụng cụ chuyên dùng cũng như kỹ năng y tế để tránh làm tổn thương ống tai, màng nhĩ.

BS Duy kết luận: “Ráy tai không phải chất thải cần làm sạch. Chúng vẫn có tác dụng nhất định với cơ thể. Do đó, chúng ta chỉ lấy ráy tai khi cần thiết. Việc lấy ráy tai cũng phải được thực hiện an toàn, nhất là với trẻ nhỏ”.

Theo zingnew

What's your reaction?

Facebook Conversations