views
Năm 2021, sau khi nhân giống lan kim tuyến thành công, ông Võ Tấn Hưng-Giám đốc Công ty cổ phần Việt Nga đã quyết định đưa loài lan này ra trồng dưới tán rừng ở 2 xã Đak Rong và Sơn Lang (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) với diện tích 6.000 m2.
“Lan kim tuyến còn được gọi là lan gấm, lan kim cương. Lâu nay, lan kim tuyến được chúng tôi nuôi trồng trong điều kiện nhân tạo. Sau khi nghiên cứu, chúng tôi thấy có thể nhân rộng giống lan này dưới các tán rừng.
Vì vậy, cây giống sau khi được huấn luyện ra môi trường bên ngoài khoảng 15 đến 45 ngày, có chiều cao xấp xỉ 5 cm, thân mập, cây khỏe mạnh sẽ được chúng tôi đưa ra trồng dưới tán rừng. Tại đây, lan kim tuyến được trồng trên luống đất có giá thể 15-20 cm, đảm bảo mật độ bình quân 60 cây/m2”-ông Hưng cho biết.
Sau khi trồng, lan kim tuyến được theo dõi và chăm sóc định kỳ. Khi cây được 3 tuần tuổi, công nhân sẽ tiến hành nhổ cỏ, xới đất cho thoáng khí; bón phân theo định kỳ 2 tháng/lần. Lan kim tuyến trồng ngoài tán rừng từ 8 tháng đến 12 tháng có thể cho thu hoạch.
Thời điểm thu hoạch vào buổi sáng sớm là tốt nhất, khi lá và thân đều khô ráo. Kết quả, mô hình trồng lan kim tuyến dưới tán rừng đã cho Công ty thu về 1.000 kg sản phẩm tươi, đạt doanh thu trên 1 tỷ đồng.
Ông Hưng chia sẻ, trồng và chăm sóc lan kim tuyến ra rừng tự nhiên là mô hình sản xuất đòi hỏi phải nghiên cứu thật kỹ từ khâu chọn địa điểm thực hiện vườn rừng tự nhiên, đảm bảo các yêu cầu về thổ nhưỡng, khí hậu, môi trường rừng, ánh sáng, nhiệt độ; đảm bảo cho sự phù hợp và thích nghi với đối tượng cây được nuôi cấy mô từ nhà huấn luyện ra vườn rừng.
Đặc biệt, kỹ thuật trồng, chăm sóc và phòng trị bệnh cũng khá phức tạp, cây con rất mẫn cảm với môi trường bên ngoài, dễ sinh bệnh.
“Lan kim tuyến trồng dưới tán rừng rất khó bảo vệ nên đòi hỏi chủ vườn phải kiên trì, chịu khó theo dõi, chăm sóc thì mới thực hiện thành công. Đây là mô hình mới, sản phẩm mới, công nghệ phức tạp nên để phát triển nhân rộng thì cần tổ chức nhiều hội thảo và các lớp tập huấn cho người dân”-ông Hưng cho hay.
Cũng theo ông Hưng, lan kim tuyến là loại cây dược liệu có giá trị kinh tế cao và hiện nay đang bị người dân khai thác trong rừng một cách triệt để khiến cho trữ lượng sụt giảm nghiêm trọng và khả năng tái sinh của loài cây này trong tự nhiên ngày càng thấp dần.
Sau thành công của mô hình, ông dự định sẽ tiếp tục mở rộng quy mô trồng lan kim tuyến hữu cơ dưới tán rừng với diện tích 2 ha. Ngoài ra, Công ty cũng sẽ tiếp tục nhân giống với số lượng lớn để cung cấp cho các vùng chuyên canh trồng lan kim tuyến tại Gia Lai và các vùng có khí hậu tương đồng để khảo nghiệm.
Đánh giá về mô hình, ông Nguyễn Nam Hải-Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ-cho rằng, Gia Lai là nơi có đủ điều kiện để phát triển loài dược liệu quý hiếm như lan kim tuyến. Vì vậy, mô hình trồng lan kim tuyến dưới tán rừng tại huyện Kbang đã góp phần xây dựng vùng sản xuất và bảo tồn nguồn dược liệu quý này.
Đây là một mô hình nông nghiệp công nghệ cao, tạo ra sản phẩm chất lượng nhằm hỗ trợ tăng cường sức khỏe cho người dân, có khả năng phòng-chống và chữa một số bệnh.
“Hơn nữa, mô hình được thực hiện như một trong các giải pháp để giảm nghèo bền vững, giúp nâng cao đời sống của người dân tại địa phương; đồng thời, góp phần bảo vệ rừng, nâng cao tỷ lệ phủ xanh đất trống đồi trọc, chống xói mòn đất và giữ ẩm cho đất”-ông Hải thông tin.
⭐️Nhấp vào liên kết https://temu.to/k/uqlwz2gku6j để nhận gói giảm giá $ ₫1.500.000 hoặc ⭐️Tìm kiếm ach735692 trên ứng dụng Temu để nhận chiết khấu $ 30%!! |
Facebook Conversations