views
Sâm Ngọc Linh mọc trên dãy núi cao thứ hai miền Trung Việt Nam, nằm trên dải Trường Sơn, thuộc tỉnh Kon Tum, Quảng Ngãi và Quảng Nam. Trước đây, người dân thu lấy sâm từ tự nhiên, khi có giá trị thì đổ xô vào rừng khai thác nên cạn kiệt. Để phát triển loài dược liệu quý, người dân huyện Nam Trà My (Quảng Nam) và nhiều doanh nghiệp trồng sâm dưới tán rừng.
Cơ quan chức năng hướng dẫn trồng sâm ở độ cao 1.500 m trở lên, dưới tán rừng phát dọn cây dây leo, bụi rậm làm luống rộng 1,6-2 m. Khi trồng, hàng cách hàng 40-45 cm, cây cách cây 30-35 cm, mật độ tối đa một ha 25.000 cây.
Quá trình chăm sóc, người dân cần bón thêm mùn núi cho cây, một lớp dày khoảng 2 cm để giúp cây sinh trưởng tốt và cho năng suất cao. Các chế phẩm vi sinh ủ có thể sử dụng kèm lá mục, lá khô tại chỗ..., bón bổ sung cho cây, không dùng bất kỳ loại phân bón nào.
Dù được hướng dẫn cụ thể, 5 năm gần đây, doanh nghiệp và người dân đã thay đổi cách trồng. Một chủ vườn sâm rộng 2 ha ở thôn 2, xã Trà Linh trồng hơn 10.000 cây sâm Ngọc Linh từ 1 đến 15 tuổi cho biết, để có vườn sâm này, ông đầu tư hơn 2 tỷ đồng.
Thuê người phát dọn dưới tán rừng già xong, ông cho người đến các khu rừng lân cận mang mùn về để trồng; mua khoảng 2 tấn lưới B40 và thép gai rào xung quanh chống trộm, thú vào phá hoại. Giá thuê người cõng đồ lên vườn là 5.000 đồng mỗi kg.
Chủ vườn trồng bằng nhiều cách, từ lên luống rồi dùng nylon che đậy; trồng trong thùng xốp, rổ hoặc khay nhựa rồi phủ bạt. Việc che phủ nhằm tránh sương muối làm chết sâm. "Trồng tự nhiên cây sâm chậm lớn, mùa mưa bị chết nhiều, trong khi trồng trong các vật liệu công nghiệp thì cây phát triển nhanh, cho củ lớn. Trồng cách này để nhanh thu hồi vốn vì bỏ ra số tiền lớn", ông giải thích.
Không riêng chủ vườn sâm này, trên núi Ngọc Linh có hàng nghìn người dân và nhiều doanh nghiệp không vun luống trồng sâm, sử dụng mái che nylon, thùng xốp và rổ nhựa. Theo thống kê, hiện huyện Nam Trà My có trên 1.600 ha với 21 doanh nghiệp và 63 nhóm, khoảng 1.200 hộ trồng sâm. Số dùng nylon phổ biến khiến diện tích phủ bạt lên tới hàng chục nghìn mét vuông. Số thùng xốp, khay nhựa, vật liệu khó phân hủy được mang lên núi trồng sâm cũng hàng chục nghìn chiếc. Bình quân mỗi hộ sử dụng một tấn lưới B40 và thép gai rào trên núi bảo vệ vườn sâm thì cũng hàng nghìn tấn sắt đã được đưa lên núi.
Gần đây, một số người dân còn bón phân vi sinh cho sâm. Sau khi bón, nhiều loại ốc nhỏ phát triển, bám lấy cây sâm cắn phá.
Ông Trần Út, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Nam, nói việc phủ nylon làm nhà che, trồng trong thùng xốp, rổ, khay nhựa không đúng quy trình. "Cách làm này có lợi trước mắt, lâu dài sẽ tích lũy gây nguồn bệnh, làm ảnh hưởng môi trường rừng. Đất cũng bị ảnh hưởng do mái che kín khiến nước mưa, lá cá cây khô không vào được, môi trường có thể thay đổi, không còn phù hợp với cây sâm Ngọc Linh", ông nói.
Theo ông Út, sử dụng phân vi sinh không kiểm soát tốt sẽ mang theo mầm bệnh vì trong phân có ốc, nấm bệnh từ nơi khác. Nguy hiểm là phân này có hai dạng, một dạng vi sinh hữu cơ hoàn toàn và một là vi sinh hữu cơ khoáng có thành phần hóa học bên trong. Trong khi đó, cây sâm Ngọc Linh phát triển, sinh trưởng hoàn toàn từ tự nhiên.
Trước thực trạng trên, Chủ tịch tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, điều chỉnh quy định có liên quan đến hướng dẫn kỹ thuật trồng sâm Ngọc Linh. Trong đó, cơ quan chức năng cần quy định rõ các biện pháp mới phù hợp gồm canh tác, làm luống, mái che, sử dụng vật liệu... "Đến một giai đoạn nhất định phải chấm dứt việc trồng sâm Ngọc Linh không đúng theo hướng dẫn kỹ thuật trồng", ông Thanh nói, yêu cầu quy định cụ thể những vật liệu thân thiện có thể thay thế khi trồng, bảo vệ sâm.
Chủ tịch tỉnh Quảng Nam giao huyện Nam Trà My kiểm soát việc sử dụng các hóa chất vô cơ gây hại khác; nghiêm cấm và xử lý người dân đi gom thảm thực vật bên dưới tán rừng để mua bán. "Các công ty, hộ, nhóm hộ đang trồng sâm Ngọc Linh có sử dụng các vật liệu khó phân hủy, nguy cơ gây ô nhiễm, không thân thiện với môi trường phải có phương án di dời, tháo dỡ", ông Thanh nói.
Trước đây, sâm Ngọc Linh được người dân gọi là "thuốc giấu", dùng để trị vết thương, sốt rét, bồi bổ sức khỏe. Đầu tháng 6/2017, sâm Việt Nam (sâm Ngọc Linh) trở thành sản phẩm quốc gia. Tỉnh Quảng Nam đã trình Thủ tướng đề nghị phê duyệt Chương trình quốc gia phát triển sâm Ngọc Linh giai đoạn 2021-2030 và định hướng đến 2045. Nếu được thông qua, đây sẽ là động lực để sản phẩm mang thương hiệu quốc gia có cơ hội đưa ra thị trường thế giới.
⭐️Nhấp vào liên kết https://temu.to/k/uqlwz2gku6j để nhận gói giảm giá $ ₫1.500.000 hoặc ⭐️Tìm kiếm ach735692 trên ứng dụng Temu để nhận chiết khấu $ 30%!! |
Facebook Conversations