views
GS Trần Đình Long vẫn chưa quên cảm xúc khi nhận nhiệm vụ lai tạo giống cỏ ngọt cách đây mấy chục năm trước. Khi đó ông đang công tác tại Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
Đó là năm 1988, trong chuyến công tác tại châu Mỹ Đại tướng Võ Nguyên Giáp mang về nước cây cỏ ngọt. Đại tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nghiên cứu với mục tiêu có thể trồng loài cây này ở Việt Nam.
Ông Long được giao nhiệm vụ. "Tôi rất lo lắng!", ông kể lại. Khi đó, cây cỏ ngọt ở Việt Nam vẫn còn quá mới mẻ. "Tôi áp lực vì duy trì cho cây sống được đã khó, nhân giống nó lại càng khó hơn", ông Long nói.
Ban đầu, ông Long cũng không biết đó là cây gì. "Tôi chỉ đoán, chắc nó như cây mía ở Việt Nam thôi. Nhưng nghiên cứu sâu thì không phải", ông nhớ lại.
Trong điều kiện phòng thí nghiệm yếu kém, thô sơ, vật liệu để thực hiện nhân giống là một cây cỏ ngọt duy nhất, ông lo lắng đến mất ăn mất ngủ. Để nhân giống, có rất nhiều cách như phân lập cây để nuôi cấy mô, trồng cho cây ra hoa rồi lấy hạt nhân giống. Ông thực hiện tất cả các phương pháp trong hiểu biết của mình. Bằng mọi cách phải hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Nuôi cấy mô là chuyên môn của ông, dù điều kiện phòng thí nghiệm thô sơ, ông vẫn tạo ra các cây giống bằng phương pháp này. Sang đến phương pháp nhân giống bằng hạt, GS Long khi đó khá "hoảng" vì cây trồng sinh trưởng tốt, nhưng không cho ra hoa. Điều kiện khí hậu ở Hà Nội khi đó không phải là môi trường tối ưu cho cây phát triển. Ông đem cây cỏ ngọt vào Đà Lạt trồng trong 2 năm. May mắn, cây đã ra hoa, có nguyên liệu để nhân giống theo cách thứ 2.
Từ cây cỏ ngọt duy nhất này, sau 5 năm phân lập, nuôi cấy mô, nhân giống, GS Long cho ra đời được giống cỏ ngọt ST88. Giống cỏ này được công nhận giống quốc gia năm 1995.
GS Long kể, khi đó, nhiều nông dân ở Bắc Giang, Hưng Yên, Bắc Ninh... mua được đài cassette, vô tuyến nhờ trồng cỏ ngọt. Nhiều cán bộ Viện Khoa học Nông nghiệp cũng có thu nhập cao hơn lương nhờ trồng cỏ ngọt, bán giống lại cho nông dân. Niềm vui của ông nhân đôi cùng với nụ cười của người nông dân khi đó.
Sau này, các giống cỏ ngọt ST99, ST77 cũng ra đời trên nền tảng nghiên cứu giống cỏ ngọt đầu tiên, với lượng đường tăng cao hơn khoảng 25%. Hiện giống này được người nông dân trồng chủ yếu cung cấp làm nguyên liệu cho thuốc Đông y.
GS Long mong mỏi Việt Nam sẽ có dây chuyền sản xuất đường từ cỏ ngọt để đem lại giá trị kinh tế cao cho người nông dân. Loài cây này cho lượng đường ngọt gấp 300 lần so với đường mía, nhưng lại không có năng lượng, phù hợp cho người tiểu đường, béo phì.
Theo y học cổ truyền, cỏ ngọt với vị ngọt thanh tự nhiên và không mang năng lượng nên được sử dụng như một loại trà có tác dụng điều vị, lợi tiểu, giúp hỗ trợ điều trị các bệnh như: Giúp ổn định đường huyết, hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường, ổn định huyết áp, hỗ trợ điều trị bệnh cao huyết áp.
Cây cỏ ngọt chỉ là một trong số 26 giống cây trồng, trong đó có 10 giống đậu tương, 6 giống lạc mới và 4 giống đậu xanh, 3 giống cỏ ngọt được công nhận là giống quốc gia mà GS Long là tác giả.
Nhắc đến cây đậu tương cũng là chuỗi ngày dài ghi dấu đóng góp của GS Trần Đình Long. Ông đã dành 20 năm (từ 1983) với hàng trăm chuyến đi khắp các nẻo đường Tây Bắc, Việt Bắc, tới các bản làng xa để thu thập hạt giống đậu tương bản địa của người dân trồng để về nghiên cứu, phân lập thành hệ thống hạt giống. Cuối cùng ông đã lai tạo thành công giống cây đậu tương ngắn ngày chống chịu sâu bệnh, cho năng suất cao. Kết quả phân lập gene từ nguồn giống đậu tương nói trên cũng được ông bổ sung vào ngân hàng gene quốc gia.
Năm nay GS. Viện sĩ Trần Đình Long tròn 80 tuổi, nhưng có đến 60 năm nghiên cứu, gắn bó với ngành khoa học nông nghiệp. Ông cho rằng, Việt Nam có nhiều thế mạnh về nông nghiệp nhưng chưa tận dụng được hết, việc đầu tư cũng chưa bài bản, có trọng tâm. Vì vậy thu nhập từ nông nghiệp chưa đem lại giá trị cao bởi xuất khẩu thô vẫn chiếm thế chủ đạo, không có sản phẩm nông nghiệp thương hiệu thế giới.
Việt Nam có rất nhiều giống cây đặc hữu, nhiều loại cây ăn quả là đặc sản, nhiều giống rau trên thế giới không có. Chỉ riêng hoa lan cũng có tới 30 loài đặc hữu. Đáng tiếc là ngành công nghiệp hạt giống lại yếu, dẫn đến sản xuất quy mô công nghiệp còn rất thấp. Điều này dẫn đến tình trạng mỗi năm Việt Nam vẫn phải nhập khẩu khoảng 500-600 triệu USD hạt giống rau hoa quả cao cấp.
GS.VS Trần Đình Long vẫn đau đáu, làm thế nào để Việt Nam phát huy được thế mạnh, đưa nền nông nghiệp trở thành trụ cột kinh tế. Ở nhiều hội nghị, hội thảo, ông vẫn miệt mài đề xuất kiến nghị. Ông cho rằng, phải phát triển một nền nông nghiệp bền vững, sản xuất theo chuỗi giá trị, giảm xuất thô, coi khoa học công nghệ là cốt lõi để tăng giá trị nông sản. Làm được như thế, nông sản không chỉ đem lại 41 tỉ USD kim ngạch xuất khẩu nông sản như hiện nay mà phải từ 400 tỉ USD trở lên.
Tính đơn giản, một kilogram đậu tương nếu xuất thô chỉ bán được 15.000-20.000 đồng, nhưng chế biến được 16 lít sữa đậu nành. Khi chế biến, mỗi hecta trồng đậu tương có thể đem lại 400 triệu đồng. Từ gạo, có thể làm ra 165 sản phẩm khác nhau, nhưng chúng ta hiện mới chỉ khai thác hạt gạo.
"Nếu chúng ta tổ chức sản xuất theo chuỗi hàng hóa, sẽ không bao giờ có chuyện người nông dân được mùa mất giá. Nhiều sản phẩm đặc sản, có giá trị kinh tế cao, sẽ tạo nên thương hiệu nông nghiệp Việt Nam", GS.VS Trần Đình Long nói.
GS.VS Trần Đình Long sinh năm 1941 tại Thanh Ba, Phú Thọ.Ông từng nhận được nhiều giải thưởng như Giải thưởng quốc tế về quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên năm 1995; Giải thưởng "Doreen Mashler" về cải tiến năng suất và sản lượng lạc ở Việt Nam năm 2004; Giải thưởng quốc tế về tài nguyên thiên nhiên Châu Á năm 2005; 6 Bằng Lao động sáng tạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Ông đã biên soạn, cho xuất bản 20 cuốn sách trong đó có 3 giáo trình phục vụ cho công tác giảng dạy tại các trường đại học, đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ
Tham khảo thêm: Vị thuốc dành cho người đái tháo đường từ cây cỏ ngọt
Theo Vnexpress
⭐️Nhấp vào liên kết https://temu.to/k/uqlwz2gku6j để nhận gói giảm giá $ ₫1.500.000 hoặc ⭐️Tìm kiếm ach735692 trên ứng dụng Temu để nhận chiết khấu $ 30%!! |
Facebook Conversations