menu
Những cách dùng Dược Liệu Đỗ trọng để chữa bệnh
Những cách dùng Dược Liệu Đỗ trọng để chữa bệnh
Dịch vụ tư vấn lập dự án như Dự án trồng dược liệu quý đến các nông nghiệp, xây dựng, du lịch... Với kinh nghiệm sâu rộng, chúng tôi đảm bảo lập ra các dự án hiệu quả, bền vững, hỗ trợ từ khâu nghiên cứu, phân tích đến thực thi. Liên hệ ngay để biến ý tưởng thành hiện thực!
Trong Đông y, đỗ trọng là một vị bổ can thận, cường gân cốt, an thai; chủ trị chứng thận hư, đau lưng, liệt dương (dương nuy), thai động, thai lậu, trụy thai, hay rượu ngâm đỗ trọng hoặc món ăn bài thuốc dùng đỗ trọng để chữa trị nhiều bệnh

Cây Đỗ trọng có tên khoa học: Eucommia ulmoides Oliv, thuộc họ Đỗ trọng - Eucommiaceae.

Cây Đỗ trọng có tên khoa học:  Eucommia ulmoides Oliv, thuộc họ Đỗ trọng - Eucommiaceae. Bộ phận được dùng làm thuốc là vỏ cây đỗ trọng

Đỗ trọng (Eucomia ulmoides Oliv. thuộc họ Đỗ trọng (Eucommiaceae) vị thuốc này được ghi đầu tiên ở sách Bản kinh. Còn có tên là Mộc miên vì trong vỏ có chất sợi tơ bạc.

Những công dụng tuyệt vời của ĐỖ TRỌNG

Đỗ trọng là vị thuốc được dùng từ lâu đời. Đây cũng là vị thuốc mang đầy tính huyền thoại với công năng kỳ diệu của nó. Bản thảo cương mục của Danh y Lý Thời Trân (thời nhà Minh, Trung Quốc) có chép: “Bàng Nguyên Anh kể lại: xưa có người thiếu niên mới lấy vợ bị bệnh yếu chân không đi được, uống các thuốc không khỏi, sau đó lương y Tô Lãm bắt mạch đoán rằng bệnh đó do thận hư, cho uống đỗ trọng 10 ngày là khỏi”.

Sách Bản kinh nói về công dụng của đỗ trọng: “Chủ yếu tích thống, bổ trung, ích tinh khí, kiện gân cốt, cường chí, trị âm nang ngứa chảy nước, tiểu gắt”. Sách thuốc cổ viết: “Phàm hạ tiêu chi hư, phi đỗ trọng bất bổ; hạ tiêu chi thấp, phi đỗ trọng bất lợi; túc kính chi toan, phi đỗ trọng bất khứ; yêu tất chi thống, phi đỗ trọng bất trừ” (phần dưới cơ thể suy yếu không có đỗ trọng thì không bồi bổ được; phần dưới có thấp không có đỗ trọng thì không phải làm thải ra được; chi dưới nhức mỏi không có đỗ trọng thì không làm hết được; lưng gối đau đớn không có đỗ trọng thì không trừ bỏ được).

Kết quả nghiên cứu dược lý học hiện đại cho thấy, đỗ trọng có tác dụng hạ huyết áp, giảm cholesterol trong huyết thanh, làm giãn mạch, tăng lưu lượng máu trong động mạch vành tim; làm hưng phấn hệ thống tuyến vỏ thượng thận - tuyến yên, ức chế cơn co tử cung, lợi niệu, trấn tĩnh, cải thiện khả năng sinh hoạt tì.nh d.ục.

Bài thuốc dùng đỗ trọng của BS. NGUYỄN PHÚ LÂM (Chủ tịch Hội Đông y Mang Thít, Vĩnh Long)

Những bài thuốc bổ thận, cường dương tư âm, bổ dương, tăng cường tinh khí, nâng đỡ thể trạng chứ không chỉ có tác dụng kích hứng nhất thời làm cương cử dương vật. Các vị thuốc này phối hợp với nhau để quân bình âm - dương cho cơ thể. Bài thuốc phải đạt mục đích chủ bổ các tạng: Thận, Tâm, Can.

Thận chủ về thủy, tức là tinh khí. Thận khỏe thì tinh khí đặc, chứa nhiều tinh trùng nên dễ thụ thai.Tâm chủ về huyết hỏa hay năng lượng. Tâm tốt thì trí não quân bình, năng lực phương cương, sức lực bền dai, tinh trùng mới đủ sức bơi ngược dòng tử cung để thụ thai. Can thuộc hành mộc chủ về cân tức là gân. Cân khỏe thì gân mới đủ sức cương cử mà hành sự. Dương vật là một loại gân chủ yếu của cơ thể, gọi là “tông cân chi hội”, nên khi can khí không đến thì dương vật không cương được.

Như trên đã nói, đỗ trọng bổ Can, Thận, đồng thời có ích cho Tâm, tức một vị thuốc hội đủ ba yếu tố (tam bổ) cho người vô sinh - hiếm muộn. Tuy nhiên, để đỗ trọng làm nhiệm vụ chủ yếu bổ Thận, bên cạnh bổ Can và ích Tâm, người ta sao chế vị thuốc này với muối (muối và đỗ trọng lượng thích hợp, thường 50g muối hòa với nước cho 1kg đỗ trọng, sao cho đến khi đỗ trọng đứt tơ). Qua kinh nhiệm chữa bệnh lâu năm, chúng tôi dùng đỗ trọng trong một số bài thuốc chữa vô sinh-hiếm muộn.

Trong bài viết này, chúng tôi giới thiệu bài thuốc cổ phương Bát vị hoàn, gia đỗ trọng và nhục thung dung. Trong đó, nhục thục dung là vị thuốc có vị ngọt, mặn, tính ấm; vào 2 kinh thận, đại tràng; có tác dụng bổ thận, ích tinh, nhuận táo, hoạt tràng. Chủ trị nam giới liệt dương (dương nuy), nữ giới không có thai, đới hạ (nhiều khí hư), băng lậu... Các kết quả nghiên cứu hiện đại cho thấy, hàm lượng hoạt chất sinh học trong nhục thung dung rất phong phú, có tác dụng như một loại hoóc-môn sinh dục, có khả năng kích thích và điều tiết hoạt động của tuyến thượng thận.

Còn đỗ trọng thì tác dụng của nó đã nói ở trên. Hai vị thuốc được thêm vào sẽ làm tăng tác dụng bổ thận, sinh tinh, cường dương…

Cụ thể bài Bát vị hoàn gia giảm: thục địa 320g, hoài sơn 240g, sơn thù 200g, đơn bì 120g, trạch tả 120g, bạch linh 160g, nhục quế 40g, phụ tử 40g, đỗ trọng 120g, nhục thung dung 50g. Thục địa nấu cao pha mật ong; các vị còn lại sấy khô tán mịn, hoàn với mật ong mỗi viên 10g. Ngày uống 4 viên chia sáng chiều.

Chúng tôi còn dùng bài Cố bản thập bổ hoàn (của Hải Thượng Lãn Ông): thục địa 320g, hoài sơn 240g, sơn thù 200g, bạch linh 160g, ngưu tất 160g; đỗ trọng 120g (tẩm rượu muối sao), ngũ vị tử 48g, phụ tử 60g, lộc nhung 300g. Bài này cũng làm hoàn mềm.

Những loại rượu được chế từ đỗ trọng

Rượu chữa đau lưng

Đỗ trọng (bỏ vỏ thô) 32g, đan sâm 32g, xuyên khung 200g. Các vị thuốc thái nhỏ, ngâm trong 100 ml rượu sau 5 ngày. Khi uống cần hâm nóng và tùy theo tửu lượng của từng người nhưng không nên uống đến say.

Rượu dùng chữa đau lưng, tổn thương cổ tay

Đỗ trọng nướng 320 g, hoàng địa khô 160 g, đương quy 80 g, ô điều bỏ vỏ 80 g, xuyên khung 80 g. Các vị thuốc thái nhỏ, ngâm trong 8,5 lít rượu trắng sau 5 ngày mới dùng, mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 15ml.

Chữa ứ huyết kèm đau lưng do thận hư

Đỗ trọng 240g, đan sâm 240g, xuyên khung 50g, rượu trắng 1,5 lít. Thái vụn các vị thuốc trên cho vào rượu đậy kín ngâm trong 5 ngày có thể dùng. Khi uống rượu, cần hâm nóng, tùy theo liều lượng đừng uống say.

Dùng cho người đau lưng, chân không đi được

Đỗ trọng nướng 320g, khương hoạt (gừng) 160g, thạch nam 80g, đại phụ tử (bỏ vỏ) 3 cái. Thái nhỏ các vị thuốc, ngâm trong 7 lít rượu để 5 ngày sau dùng được. Mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 15ml.

Chữa đau cột sống

Đỗ trọng bỏ vỏ 3.000g, rượu 2 lít, ngâm 7 ngày mới dùng. Mỗi ngày uống 3 lần, mỗi lần 15 - 30ml.

Chữa đau lưng

Đỗ trọng 300g, xuyên khung 200g, quế chi 160g, tế tân 80g. Các vị thuốc thái nhỏ, ngâm trong 10 lít rượu, sau 5 ngày dùng được. Mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 15 - 20ml. Kiêng ăn hành tươi, rau sống.

Những món ăn phối chế từ đỗ trọng

Gan lợn nấu đỗ trọng

Đỗ trọng 50g, gan lợn 200g. Gan lợn rửa sạch, xát muối, sau thái miếng cho nước nấu cùng với đỗ trọng. Khi gan nhừ, nêm gia vị vào, ăn cả nước lẫn cái. Tác dụng trị gan thận yếu, đau lưng, mỏi gối, tiểu tiện nhiều lần, di tinh, liệt dương, lao tổn cơ lưng mãn nhờ bổ gan thận, làm mạnh gân cốt, kiện tỳ vị, ích tinh huyết.

Thịt chó - đỗ trọng

Món này dùng thích hợp cho người thận dương suy tổn, lưng gối đau, tiểu tiện trong, lâu, tiểu nhiều lần, đái dầm, di tinh...

Thịt chó 500g, đỗ trọng 10g, gia vị vừa đủ. Thịt chó dùng rượu vàng rửa sạch, thái miếng, ướp muối 15 phút. Đỗ trọng ngâm nước cho thịt chó, gừng, hành vào hấp từ 1,5 - 2 giờ là ăn được, bỏ xác đỗ trọng ăn cả nước lẫn cái. Có tác dụng ôn thận dương, ấm lưng và đầu gối.

Canh đỗ trọng, cẩu kỷ tử, chim cút

Món này có tác dụng bổ gan thận, khỏe gân gối, mạnh lưng. Dùng cho gan thận hư nhược, lưng gối đau, mỏi.

Đỗ trọng 15g, cẩu kỷ tử 30g, chim cút làm sạch 1 con. Cho cả 3 thứ vào sắc lấy nước uống, ăn thịt chim cút.

Đỗ trọng, hạnh nhân hầm bầu dục lợn

Có tác dụng bổ ích thận dương nên thích hợp cho người âm dương đều hư do bệnh đái tháo đường, tiểu tiện nhiều lần, miệng khô ít nước bọt, mặt mày tái xám, tiêu chảy, liệt dương.

Bầu dục lợn l đôi, hạnh đào nhân 30g, đỗ trọng 30g, kim anh tử 30g. Bầu dục làm sạch bỏ màng hôi cho vào hầm chín cùng các vị thuốc, ăn bầu dục uống nước.

Đỗ trọng, xuyên tạc đoạn nấu trứng gà

Có tác dụng bổ gan thận, mạnh gân cốt, dưỡng huyết, an thai, phù hợp cho người đau lưng mỏi gối, động thai...

Đỗ trọng 12g, xuyên tục đoạn 12g, trứng gà 2 quả. Trứng gà luộc chín bóc bỏ vỏ cho vào nấu với đỗ trọng và xuyên tục đoạn, uống canh ăn trứng.

Chữa thận hư đau lưng, liệt dương, tiểu nhiều lần

Đỗ trọng 30g, thịt lợn dọi 250g nấu chung, bỏ bã thuốc, ăn thịt, uống nước canh thuốc.

Thận hư đau lưng

Đỗ trọng cạo bỏ vỏ thô, cho dầu rang vàng 30g, sắc bỏ bã, cho bầu dục lợn hoặc dê hay cừu vào 2 chiếc, cắt lát mỏng. Sắc sôi 5 lần cho ớt, gia vị ăn bầu dục, uống nước lúc đói.

Thận hư sẩy thai nhiều lần

Đỗ trọng 10g, xuyên tục đoạn 10g, sơn dược 10g, tang ký sinh 10g. Sắc uống ngày một thang.

Thận hư động thai

Đỗ trọng 15g, đại táo 15g, sắc uống ngày 1 thang.

What's your reaction?

Facebook Conversations